“Giữ chân” công chức, viên chức
Hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị với các địa phương, sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của địa phương, theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm.
Sáu tháng đầu năm, các Sở Nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức (công chức là 2.242 người, viên chức là 12.002 người), kịp thời bổ sung số công chức, viên chức xin nghỉ việc, thôi việc.
Một trong những tồn tại, hạn chế được Bộ Nội vụ chỉ ra là, hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tình trạng công chức, viên chức rời khỏi khu vực công là vấn đề rất trăn trở. Chúng ta phải rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, trực tiếp là phải có chế độ chính sách về tiền lương, cải thiện được thu nhập.
Về giải pháp để “giữ chân” công chức, viên chức ở lại khu vực công hoặc giải quyết thỏa đáng cho quá trình cống hiến của họ ở cơ quan nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ Nội vụ, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc (trong đó có sự dịch chuyển công chức, viên chức trong khu vực công sang làm việc tại khu vực tư).
Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề xuất các giải pháp (trước mắt và lâu dài), các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo Bộ trưởng, đứng ở góc độ cơ quan quản lý cũng như cơ quan sử dụng, chúng ta phải rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện hữu, trực tiếp là phải có chế độ chính sách về tiền lương, cải thiện được thu nhập.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023. Đấy là một phần để chúng ta góp phần cải cách tiền lương, cũng như tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ.
Phần nữa, chúng ta phải đẩy mạnh mức độ tự chủ về tài chính để tạo cho đơn vị sự nghiệp tăng thêm nguồn thu, từ đó có phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, ngoài vấn đề thu nhập, cơ quan quản lý, sử dụng phải tạo cho cán bộ, công chức, viên chức có một môi trường làm việc rất tốt, có cơ hội cống hiến, và khi họ cống hiến rồi, chúng ta phải có trách nhiệm ghi nhận, động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời.
Ngoài ra, cũng phải có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ sớm, từ xa để tạo nguồn lãnh đạo cho đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý trong tương lai.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng: Thời gian tới, khi Chính phủ thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW; ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài khu vực công; hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng, tuyển dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, công chức,... chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.