Văn hóa làng - nét đẹp đặc trưng gắn kết cộng đồng bền chặt
Làng quê xưa được gắn liền với “cây đa, giếng nước, sân đình”. Đó không chỉ là biểu tượng đặc trưng của làng mà còn là những địa điểm góp phần gắn kết mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Bởi thế, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, dù kết cấu hạ tầng có liên tục đổi thay theo hướng hiện đại thì nhiều vùng quê Diễn Châu, Nghệ An vẫn luôn quan tâm bảo tồn những nét đẹp đặc trưng này.
Diễn Châu (Nghệ An) là vùng đất non nước hữu tình, trải qua hàng ngàn năm lịch sử và mang trong mình dòng chảy văn hóa vô tận. Người Diễn Châu luôn ý thức trong việc giữ gìn văn hóa đặc trưng riêng của mình - thể hiện rõ nét nhất trong văn hóa làng xã.
Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê.
Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, việc khôi phục cổng làng ở Diễn Châu trở thành một việc làm được mọi người dân quan tâm ủng hộ.
Cổng làng xã Diễn Hoàng (huyện Diễn Châu) được xây dựng bằng chính sự quyên góp, ủng hộ của nhân dân địa phương, con em xa quê. Cổng làng được xây theo kiểu tam quan, 3 tầng mái toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Để rồi cứ thế nhắc nhở mỗi người dân Diễn Hoàng nối tiếp mãi giá trị văn hóa quý báu của quê hương.
Ông Nguyễn Tân - Chủ tịch UBND xã Diễn Hoàng trao đổi: Cổng làng là một công trình gắn kết với mọi người dân, mọi thế hệ lại với nhau, là điểm để con em dù ở bất cứ đâu đều nhớ về quê hương. Khi giữ gìn được giá trị văn hóa truyền thống, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của bà con thì nhân dân sẽ có sự đoàn kết và tin tưởng vào sự lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền và từ đó chung tay ủng hộ đầu tư xây dựng quê hương giàu mạnh.
Bước vào cánh cổng làng Diễn Hoàng đầy uy nghi, tiến sâu vào trong là cả một cảnh quan cổ xưa hiện ra. Ngôi đình Tám Mái uy nghiêm, mặc dù đã trải qua thăng trầm hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên hoa văn, hình dáng ban đầu, thấm đẫm sự uy nghiêm, cổ kính. Đối với người dân địa phương, ngôi đình là trung tâm, là ngôi nhà chung của thôn làng từ xưa nên việc giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn di sản là trách nhiệm không của riêng ai.
Hàng năm, vào lễ Kỳ yên và lễ Lạp miếu, dù đi làm ăn xa bà con vẫn tề tựu đông đủ, trước cầu nguyện linh thần độ trì sức khỏe, chuyện làm ăn, sản xuất… sau là giao lưu để gắn kết cộng đồng ngày càng chặt chẽ. Trong những dịp này, tùy điều kiện, tấm lòng, ai cũng đóng góp để hàng năm Ban quý tế sửa chữa các tài sản nhỏ. Do vậy, hầu hết tài sản giá trị trong đình được lưu giữ đều là thành quả chung của cả cộng đồng.
Cụ Hồ Sỹ Hào, người trông coi đình cho biết: Đình Tám mái của làng Hoàng Hà thờ Bạch Y công chúa, người có công giúp nhà vua đánh đuổi quân xâm lược được nhân dân nhớ ơn thờ phụng. Bà con Diễn Hoàng qua bao đời nay vẫn luôn giữ gìn bảo tồn di tích lịch sử này bằng niềm tự hào của mình.
Còn ở xã Diễn An (huyện Diễn Châu), tồn tại song song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị là không gian thấp thoáng một làng quê cổ kính đang được người dân ngày đêm gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. Tâm điểm của không gian ấy chính là sự hiện hữu của 4 di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia là Đền Cuông, Đình Xuân Ái, Đình Nguyệt Tiên, đền thờ Đoàn Nhữ Hài.
Hệ thống các thiết chế văn hóa như đình, đền, chùa, lễ hội của làng được bảo tồn nguyên vẹn, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Giữ được vốn quý văn hóa đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Diễn An đã chủ động nghiên cứu cụ thể kỹ phong tục, tín ngưỡng từng làng để làm thế nào vừa giữ được dáng dấp của làng quê và vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.
Ông Hoàng Công Trường - Chủ tịch UBND xã Diễn An cho biết: "Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chúng tôi quan tâm đầu tư bảo tồn các di tích, đặc biệt là đình làng, giếng làng. Chúng tôi tổ chức hoạt động phong trào xã hội hóa, cùng nhau để trùng tu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng mà ông cha đã để lại".
Cùng với cổng làng, mái đình thì giếng làng hay bến nước đã góp phần vẽ nên bức tranh đặc trưng về làng quê Diễn Châu. Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc, những chiếc giếng làng biểu trưng cho nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người vẫn đang được người dân ở nhiều địa phương gìn giữ như một báu vật và là một phần ký ức của cha ông để lại.
Tại thôn Văn Tập, xã Minh Châu, giếng làng chứa đựng sự linh thiêng và những nét đặc trưng riêng nên bà con đặt tên là “giếng Thần”. Điều lạ là tuy nằm trên cánh đồng nhưng nước không bao giờ bị tanh bùn mà ngọt mát, nhiều năm cánh đồng hạn hán nứt nẻ nhưng lúc nào giếng cũng đầy ắp nước, đủ cho bà con làng sử dụng.
Bà con làng Văn Tập trông coi giếng cẩn thận, hàng năm vào dịp lễ hội tại đền Lùm và nhà Thánh của làng, các bậc cao niên đều lấy nước “giếng Thần” để dâng lên các ban thờ thể hiện sự trân quý nguồn nước linh thiêng này.
Bà Nguyễn Thị Lê, người dân ở đây chia sẻ: “Giếng Thần” liên quan đến xâu chuỗi hệ thống tâm linh của quê hương mình nên chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ, đó là “hồn quê” của tất cả người dân nơi đây. Mọi di tích của làng đều được chúng tôi tôn tạo, giữ gìn và được nhân dân quý trọng. Đến nay, tất cả làng Vân Tập đều dùng nước giếng này để sinh hoạt, cấy cày…".
Văn hóa làng ở Diễn Châu không chỉ đa dạng ở hình thức vật thể mà còn còn là chuỗi những phong tục, tín ngưỡng phong phú với những nét đặc trưng vùng miền, thể hiện sự tri ân, khát vọng cho cuộc sống no đủ, an bình.
Những lễ hội làng đều có lịch sử lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức, trở thành nét đẹp văn hóa, là nơi "về nguồn" ý nghĩa của biết bao thế hệ.
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng là một nét đẹp rất đặc trưng của mỗi làng quê. Là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta với sự biết ơn, đề cao vai trò của người có công với dân, với nước.
Thủy tổ Tạ Công Luyện, là một vị tướng nổi tiếng về tài thao lược thời Lê, khi được giao nhiệm vụ chiêu dân lập ấp khai khẩn đất hoang, Ngài chọn vùng đất phía Tây nam Diễn Châu đặt bản doanh. Khi mất, ông được phong là Thành hoàng làng và được lập đền thờ tại Lạc Sở thôn, Bút Điền xã nay là xóm 5, xã Diễn Cát. Hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, con cháu trong dòng họ Tạ và UBND xã Diễn Cát luôn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ đến công ơn của Ngài.
Ông Tạ Xuân Thiêm - thành viên Hội đồng gia tộc họ Tạ cho biết: "hành hoàng làng chúng tôi là người có công với nước với dân, được vua phong sắc Thành hoàng, không chỉ trong dòng họ mà các dòng họ đều khâm phục, thờ cúng. Chúng tôi tổ chức lễ hội thì đều được bà con nhân dân nơi đây ủng hộ và tôn vinh".
Khơi dậy và phát huy những nét đẹp truyền thống của văn hóa làng được huyện Diễn Châu cụ thể hóa qua việc tăng cường việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đều xác định phải giữ “hồn quê trong xây dựng NTM”. Theo đó, trong 5 năm qua, huyện Diễn Châu đã xây dựng được 12 cổng làng, phục dựng 9 đình làng, đền chùa, 35 giếng làng theo nguyên gốc kiểu dáng hoa văn, họa tiết cổ kính. Hiện vẫn còn hơn 60 phong tục, tín ngưỡng, lễ hội vẫn được người dân giữ gìn.
Nhờ đó trên địa bàn huyện có 55 di tích lịch sử - văn hóa đình, đền được xếp hạng, trong đó có 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 40 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Với những việc làm ý nghĩa như thế nên nét đặc sắc của văn hóa Diễn Châu không chỉ tồn tại bởi bề dày 1390 năm mà sẽ trường tồn mãi với thời gian.
Ông Đào Hồng Thanh - Trưởng phòng VHTT Diễn Châu cho biết: "Để giữ gìn văn hóa làng, chúng tôi tăng cường quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cấp Quốc gia và cấp tỉnh, đồng thời khảo sát, thống kê các di sản, cơ sở thờ tự cũng như đình chùa bị mai một để phục dựng lại. Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch, đặt biệt là du lịch tâm linh để mà bảo tồn, phát triển văn hóa quê hương".
Trong thời kỳ hội nhập, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị dần bị thu hẹp. Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế - xã hội, văn hóa mà hội nhập mang lại, vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ thờ ơ, chưa coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống làng quê xưa. Bởi vậy, việc các địa phương ở Diễn Châu luôn ý thức xây dựng, trùng tu, khôi phục hệ thống các công trình truyền thống sẽ góp phần gìn giữ những giá trị mà các thế hệ ông, cha ta xưa kia đã dày công vun đắp, tạo nên chiều sâu văn hóa bền vững cho mảnh đất nơi đây.