Không chỉ là lãng phí
Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vừa qua, thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là lãng phí trong chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo các đại biểu, tình hình công tác xây dựng pháp luật trong ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết vẫn tiếp tục còn tình trạng chậm, nợ đọng, phản ứng chính sách chưa thực sự kịp thời. Đây là tình trạng đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù đã được cải thiện dần, nhưng chưa đạt như mong muốn.
Một số ý kiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công; trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong mua sắm, quản lý, sử dụng trụ sở, nhà đất của các cơ quan nhà nước quản lý; khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước, ngoài ngân sách và đặc biệt là những lãng phí do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm kéo dài, thực hiện các thủ tục hành chính do đội ngũ cán bộ, công chức.
Tính đến tháng 7/2022, các cơ quan, bộ, ngành vẫn còn “nợ” 10 nghị định, 2 quyết định hướng dẫn, quy định chi tiết 7 luật, nghị quyết đã có hiệu lực.
Theo Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2022 cũng cho thấy, có 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết.
Có tới 64 văn bản đã ban hành, nhưng chậm so với yêu cầu. Đáng nói là, có văn bản chậm ban hành tới hơn 8 năm, một số văn bản chậm từ 3 đến 4 năm. Văn bản luật, pháp lệnh được ban hành, nhưng thiếu văn bản hướng dẫn làm cho luật chưa thể đi vào cuộc sống.
Sự chậm trễ trong ban hành văn bản hướng dẫn cũng đã xảy ra khi thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 và chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hay chưa cụ thể, làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, giảm ý nghĩa, hiệu quả của chính sách.
Ví như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một số bộ, ngành địa phương chưa nghiêm túc thực hiện đúng nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; vẫn chưa hoàn thành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án và cả nội dung chính sách của Chương trình.
Tính đến tháng 8/2022, vẫn còn 2/17 văn bản cụ thể hóa chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ chưa được ban hành. Trong đó, có việc chậm ban hành, chưa ban hành hoặc ban hành hướng dẫn chưa cụ thể về khám, chữa bệnh từ xa, bình ổn giá trang thiết bị y tế; chính sách hỗ trợ đối với các bệnh viện tự chủ về chi thường xuyên được chuyển đổi toàn bộ công năng để phục vụ cho việc điều trị người bệnh Covid-19; thực hiện cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt trong sản xuất, mua thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch diễn biến phức tạp, phát sinh.
Tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ.
Việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của Nhà nước.
Mặc dù khó có thể cân, đong, đo, đếm được những trở ngại, những thiệt thòi của nợ, chậm ban hành văn bản trong thời gian qua, nhưng qua đó có thể cho thấy rằng hệ thống văn bản chậm và nợ chính là chướng ngại vật làm cản trở con đường chính sách của Nhà nước đến với người dân. Hơn tất cả, không chỉ là lãng phí mà còn là đạo đức, trách nhiệm, là kỷ cương lập pháp.
Trước thực trạng trên, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.