Độc đáo làng tượng Phật ở Hà Nội

Đời sống - Ngày đăng : 08:48, 04/01/2015

Đến với làng Dư Dụ -Thanh Oai - Hà Nội, là đến với làng tượng Phật. Ở đây cả làng đều làm nghề điêu khắc và sản phẩm là những tượng Phật độc đáo bằng gỗ.

Ngôi làng với những “đôi bàn tay vàng”

Làng Dư Dụ (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là làng nghề còn lưu giữ những tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ qua nhiều đời cha truyền con nối.

Sản phẩm phổ biến nhất của làng nghề hiện nay, vẫn là phục vụ nhu cầu của những người có thú chơi trưng bày những biểu tượng của sự yên vui, may mắn, đó là hình tượng ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc… Những sản phẩm ấy được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết.

Anh Thành, một thợ lâu năm tại làng chia sẻ: “Những sản phẩm điêu khắc gỗ của Dư Dụ đã nổi tiếng từ rất lâu. Từ trưng bày, trang trí cho không gian, nội thất gia đình đến những pho tượng bề thế, đặt trang trọng tại các ngôi chùa rải khắp từ Bắc vào Nam cũng có rất nhiều tượng, đều từ đôi bàn tay người thợ làng Dư Dụ mà ra”.

Được biết đối với những người làm nghề, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật là cân đối, hài hòa, mực thước thì họ còn phải tính toán theo quy luật âm dương – ngũ hành, thuật phong thủy của bức tượng.

Giá trị của bức tượng gỗ là phải mang đậm tính triết lý phương Đông, phải tuân thủ một cách chặt chẽ về cả chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc,... sao cho đúng với 8 quẻ trong bát quái.

Hướng Nam theo bát quái là âm Hoả, có tính nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè và cung danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Còn hướng Bắc vốn là dương thuỷ, phù hợp với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp…

Độc đáo làng tượng Phật ở Hà Nội

Những bức tượng gỗ được thổi hồn từ bàn tay tài hoa của người thợ

“Nếu làm chăm chỉ, trả hết chi phí, trung bình mỗi ngày chúng tôi thu được từ 200 – 300 ngàn đồng. Chúng tôi có thể làm những mặt hàng khác thu lợi nhiều hơn nhưng chẳng mấy ai tính chuyện đổi nghề. Tạc tượng Phật, không chỉ nghề kiếm sống mà cả một niềm vui, niềm hãnh diện đối với người Dư Dụ” - Một người thợ trong làng chia sẻ.

Hiện nay, nghề điêu khắc đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây, có đến 80% lao động trong thôn làm nghề với thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng, nghề điêu khắc từ vị trí nghề phụ đã vươn lên trở thành nghề chính của làng.

Hàng năm, ngoài những lớp đào tạo do những thợ giỏi của làng nghề đứng ra truyền nghề, Dư Dụ cũng được các cơ quan chức năng như Trung tâm khuyến nông, Trung tâm dạy nghề thuộc Tổng Cục dạy nghề hỗ trợ cho các lớp đào tạo nghề.

Hiện nay, Dư Dụ đã có gần 300 lao động được đào tạo nghề, số lao động này đang từng ngày góp sức củng cố thêm danh tiếng cho sản phẩm của làng nghề điêu khắc truyền thống.

Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường nhiều người nghĩ chỉ dùng làm củi đun, nhưng qua tay người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy trở nên có hồn và thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Làng nghề đã bao đời “cha truyền con nối” nên người dân ở đây từ đứa trẻ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, đẽo… để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, tô điểm cho đời.

Đại gia về Dư Dụ săn “Phật” chơi Tết

Những ngày cuối năm, các loại tượng phật gỗ Di Lặc, Phúc – Lộc – Thọ, Quan Công, Thánh Gióng…  được nhiều “đại gia” tìm đến làng nghề, cơ sở sản xuất đặt mua. Thú chơi tượng Phật của những người có kinh tế khá ngày một tăng, khiến làng Dư Dụ càng tấp nập vào những tháng gần Tết.

Được biết, thường tượng Phật ở đây được các đại gia đến tận nơi đặt hàng, họ đặt cọc trước một vài triệu để giữ mối hàng. Khách hàng yêu cầu làm loại gỗ nào thì làm, sau đó, thợ tay nghề cao phác thảo bản vẽ, rồi xẻ gỗ, đục đẽo tỉ mỉ từng chi tiết, họa tiết, hoa văn trang trí… trên mỗi phần của bức tượng, sao cho các phần khớp nhau, sau đó mới ghép lại được thành một bức tượng…

Thời gian để làm ra một bức tượng lớn như vậy mất cả mấy tháng trời.

Độc đáo làng tượng Phật ở Hà Nội

Những bức tượng có kích thước càng to và gỗ càng quý thì giá trị lại càng lớn

Tùy vào độ lớn bé, chất liệu gỗ, độ tinh xảo từng chi tiết trên từng bức tượng mà giá cả đắt rẻ khác nhau. Tuy nhiên, giá phổ biến cho các loại tượng gỗ ở đây dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/tượng, thậm chí 20 – 30 triệu đồng/tượng cũng có.

Cá biệt có những loại tượng gỗ như phật Di Lặc hay gọi là “ông bụng phệ”, Quan Công, Thánh Gióng, Phúc – Lộc – Thọ… làm theo đơn đặt hàng, gỗ tốt, cao to 2 -3 người ôm mới xuể, giá cả lên tới cả trăm triệu đồng.

Chị Lan, chủ một cơ sở ở đây cho biết: “Những ngày gần Tết, lượng người tìm về làng đặt mua tượng ngày càng nhiều. Do nhiều đơn hàng được làm để xuất sang nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ… nên số lượng gỗ ngày càng khan hiếm vào những tháng giáp Tết.

Để có được sản phẩm như ưng ý nhiều đại gia đã phải bỏ ra khoản tiền lớn để có được loại gỗ tốt và thời gian hoàn thành kịp trước dịp Tết Nguyên Đán”.

Huy Hùng