Tòa án

Nhiều ý kiến chất lượng, đồng thuận với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

VP Đà Nẵng 08/07/2023 14:35

Sau một thời gian làm việc khẩn trương, tập trung cao, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC, Hội nghị đã thành công tốt đẹp. Ban soạn thảo đã ghi nhận 15 ý kiến đóng góp chất lượng và đồng thuận với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết của các đại biểu.

danang-hn-2-.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Chánh án TANDTC đề nghị Tổ biên tập tiếp thu, tổng hợp toàn bộ ý kiến đóng góp để trình, báo cáo Ban soạn thảo. Đồng thời, sau khi Hội nghị tổ chức ở Đồng Nai, Tổ biên tập tập hợp, chọn lọc các ý kiến gửi lại cho các đơn vị trình lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội tỉnh/thành phố. Việc lấy ý kiến này phải hoàn thành trước kỳ họp Quốc hội năm nay.

Theo dự kiến Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ xây dựng 09 chương với 150 điều; trong đó giữ nguyên 09 điều; sửa đổi, bổ sung 90 điều; xây dựng mới 51 điều.

danang-hn-3-.jpg
Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Chí Công đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Trước đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật. Phó Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Chí Công nhất trí cao với hầu hết các chính sách lớn được nêu trong Dự thảo Luật. Theo Phó Chánh án Nguyễn Chí Công, dự thảo Luật lần này là sự thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng đã đề ra tại Nghị quyết số 27, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng là sự cụ thể hóa Đề án số 21 về Cải cách Tư pháp tại Việt Nam trong giai đoạn mới của Ban cán sự đảng TANDTC, đã được Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương cho ý kiến và thông qua trong năm 2022.

Quá trình triển khai xây dựng Đề án này, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập Đề án đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu, nghiêm túc, khoa học và bài bản; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thảo luận kỹ lưỡng từng vấn đề; lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý một cách dân chủ, cầu thị, huy động được trí tuệ của các chuyên gia, các nhà khoa học, các cấp ủy đảng và cán bộ, công chức trong và ngoài TAND.

Do đó, có thể khẳng định và tin tưởng rằng nội dung dự thảo Luật cũng cập nhật đầy đủ những thành tựu văn minh, tiến bộ và kinh nghiệm quốc tế về Tư pháp hiện đại; đảm bảo tính khoa học, hợp lý, sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế văn hóa- xã hội của đất nước.

Đặc biệt là các nội dung lớn như: Chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; Nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính; Nhiệm vụ xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật; Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, thu thập chứng cứ; Thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt; Đổi tên gọi Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia thành Hội đồng Tư pháp Quốc gia và điều chỉnh thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động; Chế định Thẩm phán, Hội thẩm và Về tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC và các TAND cấp cao.

danang-hn-4-.jpg
Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Tuyến đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trung Uy góp ý về 4 vấn đề mà TANDTC chỉ định gồm: Giám sát hoạt động của các Tòa án; Việc đổi tên TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm; Thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt; Tham dự phiên tòa và hoạt động thông tin tại phiên tòa.

Chánh án TAND tỉnh Thừa Thiên Huế Vũ Văn Minh cũng đồng tình và thống nhất cao với Dự thảo Luật tổ chức TAND (sửa đổi) với những nội dung như: Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa và Thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Tuyến thống nhất cao về chức năng thực hiện quyền tư pháp (mới) của Tòa án được quy định tại Điều 3. Theo đó, Tòa án thực hiện quyền tư pháp bao gồm: Quyền xét xử và phán quyết; tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ; quyết định những vấn đề liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật.

Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Đặng Quốc Lộc góp ý với một số nội dung như: Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; Thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự quy định tại Điều 16 của Dự thảo Luật; Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm quy định tại Điều 24 của Dự thảo Luật.

danang-hn-1-.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Ngoài ra, Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp khác từ đại biểu đại diện lãnh đạo các TAND trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

VP Đà Nẵng