Khi điện ảnh gặp gỡ du lịch: Sự kết hợp đầy tiềm năng
Trong thời đại số hóa và tăng cường trải nghiệm người dùng, việc kết hợp giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và giải trí quan trọng như điện ảnh và du lịch đã mang lại những cơ hội mới và tạo ra sự tương tác độc đáo. Việc bắt tay giữa điện ảnh và du lịch không chỉ tạo ra một môi trường giải trí phong phú mà còn mang lại lợi ích kinh tế và văn hóa cho cả hai ngành. Trên thực tế, sự kết hợp này đã tạo nên những trải nghiệm độc đáo cho khán giả và du khách trên toàn thế giới.
Du lịch và điện ảnh - Liên kết để vươn xa
Truyền hình đang khơi dậy niềm đam mê du lịch và ảnh hưởng đến sự lựa chọn kỳ nghỉ của chúng ta hơn bao giờ hết. Nghiên cứu của Expedia - trang web du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới hiện nay xác nhận rằng, các bộ phim và chương trình truyền hình trực tuyến hiện là nguồn cảm hứng du lịch hàng đầu, lần đầu tiên vượt qua mạng xã hội.
Kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đã tạo nên một hướng đi mới cho ngành Du lịch. Nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng thông qua việc quay cảnh cho các bộ phim nổi tiếng hoặc truyền hình. Những địa điểm như New Zealand với "The Lord of the Rings" và "The Hobbit", Hoa Kỳ với các thành phố như New York và Los Angeles, nơi diễn ra nhiều bộ phim nổi tiếng, hay Hàn Quốc với các bộ phim Hallyu, đều đã thu hút lượng lớn du khách quốc tế.
Trên toàn cầu, 66% khách du lịch đã cân nhắc một điểm đến sau khi xem một bối cảnh trong chương trình hoặc bộ phim mà họ được xem tại nhà. Cho dù đó là phong cảnh rộng lớn của New Zealand trong Chúa tể của những chiếc nhẫn (The Lord of the Rings) hay tầm nhìn lãng mạn ở cuộc sống thành phố thời thượng, thanh lịch trong Emily ở Paris (Emily in Paris), người xem đều muốn tận mắt chứng kiến mọi thứ.
Đại dịch đã đóng một vai trò quan trọng trong sự gia tăng của du ngoạn theo bối cảnh. Những người bị mắc kẹt ở nhà, hoặc không thể đi du lịch say sưa xem các chương trình truyền hình và phim ảnh, bao gồm cả mùa đầu tiên của The White Lotus trên Netflix.
Cũng do nền tảng trực tuyến Netflix sản xuất, A Tourist's Guide to Love xoay quanh Amanda, nữ hướng dẫn viên du lịch người Mỹ. Sau khi bất ngờ chia tay người yêu, Amanda đã quyết định tham gia một đề án khám phá và tìm hiểu du lịch về Việt Nam.
Đây là bộ phim quốc tế đầu tiên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp phép quay tại Việt Nam trong dịp Tết và mùa Xuân năm 2022, ngay sau khi Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19, với sự tham gia của dàn diễn viên kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế.
Chọn Việt Nam làm bối cảnh chính, nhiều danh lam thắng cảnh, địa điểm quen thuộc với khách du lịch tại TP.HCM, Quảng Nam, Hà Nội, Hà Giang được đưa vào phim. Những bối cảnh tưởng chừng rất quen thuộc, nhưng qua góc máy của ê kíp đến từ Hollywood trở nên mới lạ, sống động, đầy chất thơ.
Không chỉ các địa điểm quốc tế, mà cả các địa phương cũng đã nhận thấy tiềm năng của du lịch điện ảnh. Việc tổ chức các tour du lịch đi theo dấu phim đã trở thành một hình thức hấp dẫn cho khách du lịch.
Du khách có thể khám phá những địa điểm quen thuộc trên màn ảnh và trải nghiệm cảm giác như đang sống trong câu chuyện yêu thích của họ. Điều này cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương và tạo ra việc làm cho người lao động trong lĩnh vực du lịch.
Ngoài việc tạo ra lợi ích kinh tế, điện ảnh cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành Du lịch. Các bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng có thể tạo ra sự quan tâm và tò mò từ khán giả, thúc đẩy họ khám phá các địa điểm đã xuất hiện trong phim. Ngược lại, du lịch cũng có thể tạo ra nguồn cảm hứng cho những bộ phim mới, với các địa điểm mới mẻ và hấp dẫn trên toàn thế giới.
Cần một chế độ hợp tác đặc thù
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá về việc hợp tác giữa điện ảnh và du lịch: “Tuy có kho tàng bản sắc văn hóa đa dạng, tài nguyên du lịch đồ sộ, phong phú cũng như hiệu ứng từ các bộ phim kể trên, nhưng cũng phải thừa nhận, so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài.
“Việc quảng bá điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh mới chỉ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Lâu nay, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch... đều đi ‘một mình một đường,’ trong khi ‘muốn đi xa phải đi cùng nhau,” ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Trên cương vị “người trong cuộc,” tiến sỹ Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục Trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ một câu chuyện khác, là thực tế “không vui lắm” với những người làm điện ảnh và du lịch nước nhà.
Ông Tình cho biết: “Thời điểm tôi còn phụ trách Phòng Đối ngoại Cục Điện ảnh, một công ty phim của Hollywood đề nghị ta cho phép thực hiện một phần trong loạt phim ‘bom tấn’ 007, và Hãng phim Giải phóng cung cấp dịch vụ. Lúc đó, công tác chuẩn bị đã xong, thậm chí họ còn thuê hẳn tàu biển lớn kéo vào Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho phim. Nhưng rất tiếc sau đó, phim không được quay.”
“Họ buộc phải rời sang Thái Lan để làm phim này và chọn đảo Khao Phing Kan trong vịnh Phang Nga, gần Phuket. Cách bờ biển khoảng 40 mét là một hòn đá vôi rất lớn, cao đến 20 mét. Địa điểm được chọn so với bãi tắm Titov và hòn Trống Mái của ta ở Vịnh Hạ Long thì thua xa về vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ”.
Việt Nam sau đó còn để tuột mất cơ hội với bộ phim “Heaven and Earth” (Trời và Đất) về đề tài chiến tranh Việt Nam của Oliver Stone - người từng hai lần giành Giải Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất và một Giải Oscar khác cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Dù rất mong muốn được ghi hình ở chính đất nước đã từng diễn ra cuộc chiến tàn khốc, song cuối cùng đạo diễn phải chọn Thái Lan để hoàn thiện các cảnh quay về Việt Nam.
Như vậy, không chỉ các nhà sản xuất phim thế giới gặp rào cản khi muốn làm phim ở Việt Nam, mà ngay trong nước, nhiều nhà làm phim nội cũng gặp khó khăn trong các thủ tục hành chính khi đến làm việc với các địa phương.
Một số đạo diễn, các nhà làm phim cần hợp tác với ngành Du lịch, bằng cách “bắt tay” với các tổ chức du lịch, ngành Du lịch để tận dụng tiềm năng kích cầu du lịch từ sản phẩm phim. Theo họ sự hợp tác này cần phải bài bản, những ai có nhiệm vụ, quyền hạn gì thì nên chủ động trong công việc của mình.
Có thể bao gồm việc cung cấp thông tin và hình ảnh cho các chiến dịch quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện liên quan đến phim và du lịch, thiết lập các gói du lịch đặc biệt dựa trên nội dung phim… Hoặc định hướng, bám sát các chủ đề như: Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam; Ẩm thực Việt Nam; Home stay in Việt Nam; Khám phá thiên nhiên Việt Nam; Du lịch qua các vùng miền Việt Nam; Lễ hội Việt Nam; Các làng nghề truyền thống Việt Nam…
Theo ông Tình, ngành Du lịch có thể đặt hàng các nhà sản xuất làm những phim ngắn theo những chủ đề trên, nhưng sản phẩm phải cô đọng, súc tích, cảnh quay đẹp, hoành tráng, cuốn hút người xem. Các phim quảng bá này sau đó có thể dùng trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch cả ở trong và ngoài nước cũng như trên các nền tảng truyền thông khác. Để tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho khán giả và du khách. Các sự kiện như các liên hoan phim quốc tế, buổi chiếu phim ngoài trời tại các địa điểm du lịch và các tour du lịch đi theo dấu phim đã tạo ra một cách tiếp cận mới để khám phá và tận hưởng cả hai lĩnh vực này. Ngoài ra, việc tạo ra các nội dung truyền thông xã hội, như livestream địa điểm quay phim hay chia sẻ trải nghiệm du lịch qua video, cũng đã mở ra một phạm vi rộng lớn để lan tỏa thông điệp và thu hút khán giả.
Sự bắt tay giữa điện ảnh và du lịch mang lại những cơ hội đáng kể cho cả hai ngành, từ tạo ra những trải nghiệm mới cho du khách đến thúc đẩy kinh tế địa phương. Sự tương tác giữa hai lĩnh vực này đã mở ra một thế giới mới cho người yêu điện ảnh và du lịch, nơi họ có thể khám phá và tận hưởng những câu chuyện trên màn ảnh trong một môi trường thực tế. Với sự phát triển của công nghệ và sự sáng tạo tiếp tục, ta có thể kỳ vọng rằng sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn trong tương lai.