Số vụ xử lý vi phạm gian lận thương mại tại Quảng Ninh tăng 96%
Thông tin từ Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ vi phạm liên quan đến gian lận thương mại bị xử phạt tăng 96% so với cùng kỳ năm trước. Với 651 vụ/599 đối tượng vi phạm, tống số tiền xử phạt trên 13 tỷ đồng.
Riêng trong tháng 6/2023, các lực lượng đã kiểm tra 149 vụ, phát hiện xử lý 136 vụ/123 đối tượng/136 hành vi vi phạm (tăng 183% số vụ xử phạt so với cùng kỳ) với tổng số tiền gần 1,9 tỷ đồng (tăng 272 % tổng số tiền so với cùng kỳ).
Tại TP Móng Cái, thực hiện các nội dung về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã bắt giữ và xử lý về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm: 223 vụ/227 đối tượng, trị giá ước tính 3,8 tỷ đồng (tăng 17,99% về số vụ và tăng 67,26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022).
Theo Cục QLTT Quảng Ninh, tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục được các ngành, lực lượng chức năng kiểm soát, tránh không để xảy ra điểm nóng, tụ điểm phức tạp về buôn lậu trên địa bàn. Song đối với tuyến biên giới, các đối tượng vi phạm cử người theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng khi tiến hành xuất, nhập lậu hàng hóa qua biên giới. Lợi dụng sự ưu đãi miễn kiểm tra, chính sách ưu đãi tại Khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế đối với cư dân biên giới để vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm qua biên giới, lợi dụng chính sách thông thoáng để buôn lậu, gian lận thương mại.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong nội địa vẫn diễn biến vẫn phức tạp với nhiều thủ đoạn, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện tử.... Hàng giả lưu thông trên thị trường dưới nhiều hình thức như: giả nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; hàng giả được sản xuất với công nghệ, kỹ thuật cao rất khó phân biệt như: hàng điện tử, điện thoại di động... được bày bán lén lút hoặc trà trộn với hàng thật để lừa dối người tiêu dùng.
Cùng với đó là việc lợi dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, các đơn vị giao hàng bưu chính, các đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng để mua bán, kinh doanh. Các mặt hàng khí N2O, shisha, thuốc lá điện tử mang lại giá trị lợi nhuận cao nên các đối tượng vi phạm né tránh kiểm tra của đơn vị chức năng để vận chuyển, buôn bán, trao đổi.