Phù tay voi, nỗi đau sau điều trị ung thư vú
Sau điều trị ung thư vú, người phụ nữ 59 tuổi bị sốt cao, cánh tay phải sưng đỏ, nổi mụn mủ, đau đớn, bác sĩ chẩn đoán biến chứng phù tay voi.
Ngày 4/7, bác sĩ Tống Thanh Hải - Chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia chia sẻ, vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng tay phải to gấp rưỡi tay bên trái do biến chứng sau điều trị ung thư vú.
Theo đó, nữ bệnh nhân N. (59 tuổi, ở Hải Phòng) mắc ung thư vú, từng điều trị tại Bệnh viện K. Cuối tháng 6, bệnh nhân vào viện trong tình trạng mệt mỏi, toàn thân sốt cao, cánh tay phải sưng đỏ, khi gãi nổi lên các mụn phồng rộp chứa mủ dịch bạch huyết.
Sau khi thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc biến chứng phù bạch mạch sau điều trị ung thư, còn gọi là phù tay voi. Đây là hiện tượng tích tụ, ứ đọng dịch trong hệ bạch huyết, dẫn đến cánh tay bị phù to. Người bệnh có cảm giác đau đớn, các chi khó cử động và di chuyển, gây khó khăn sinh hoạt.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh chống viêm liều cao và thay băng chăm sóc tay viêm, chích mủ các nốt phỏng viêm mủ trong 7 ngày. Sau đó, khi tình trạng sức khỏe đã cải thiện, bệnh nhân được phẫu thuật bằng kỹ thuật siêu vi phẫu nối thông mạch.
Sau 4 giờ, ê-kíp bác sĩ đã thực hiện thành công ca mổ, giúp tay bệnh nhân vận động linh hoạt, giảm sưng phù. Trước phẫu thuật, bắp tay phải của bà N. có đường kính 40,5cm, bắp tay trái là 25,5cm. 5 ngày sau ca mổ, bắp tay phải rút xuống còn 36,5cm và sẽ còn tiếp tục giảm nữa.
Theo bác sĩ Hải, bệnh nhân phù bạch mạch do di chứng điều trị ung thư rất lớn song hầu hết không biết chữa trị ở đâu và đành sống chung với lũ. Trong khi đó, nếu không điều trị sớm, phù biến chứng nặng có thể dẫn đến cắt cụt chi thể.
Đến nay, khoa Vi phẫu và Tái tạo, Trung tâm tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bỏng quốc gia, đã điều trị cho hơn 500 trường hợp phù chi thể.
Chứng phù tay voi, chân voi có thể ảnh hưởng đến 140 - 200 triệu người trên toàn thế giới. Nữ giới mắc nhiều hơn nam.
Có hai căn nguyên gây phù, thứ nhất là phù bạch mạch nguyên phát, hiếm gặp, chiếm 1/100.000, do bất thường hệ thống bạch mạch.
Thứ hai là phù bạch mạch thứ phát với tỷ lệ mắc 1/1.000, tuổi trung bình 50-58, trong đó 75-80% liên quan đến ung thư.
Bệnh phù tay voi giai đoạn 4, biến chứng nặng viêm nhiễm mô da. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm nhiễm toàn bộ hệ thống bạch huyết, mô mềm dưới da. Hậu quả là có thể phải cắt bỏ tay. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến nhiễm khuẩn máu, suy đa tạng.