Cảnh giác với ma túy núp bóng đồ uống, nước trái cây
Hiện nay, ma túy tổng hợp đang được các đối tượng tội phạm che giấu “núp bóng” dưới dạng đồ ăn, nước uống, các loại thực phẩm chức năng. Sau đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng được vận chuyển sâu vào trong nội địa tiêu thụ, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của giới trẻ.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát đi cảnh báo người dân về việc ma túy “núp bóng”, thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Crispy fruit grape, Mango hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White Coffee”, “CHALI”...
Những sản phẩm trá hình trên được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay, đường bộ, đường thủy, đường hàng không…; được rao bán tại các shop online, các tụ điểm vui chơi giải trí, quán bar, pub…. Cá biệt, các đối tượng bán tại các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học… nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng chất ma túy.
Dưới hình thức nước trái cây nhập khẩu tưởng chừng như vô hại, các loại ma túy tổng hợp nói trên đã được bán cho trẻ em. Nếu không cảnh giác, trẻ rất dễ bị bạn bè mời uống thứ nước có chất ma túy. Chỉ cần phụ huynh chủ quan, nghĩ đây là sản phẩm nước uống trái cây, để cho các em uống thì chỉ vài lần là có thể bị nghiện. Hậu quả sẽ tìm đến những loại ma túy nặng hơn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã triệt phá thành công nhiều đường dây mua bán trái phép chất ma túy đội lốt dưới dạng nước trái cây. Những ổ nhóm này sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng giao hàng trên mạng để giao dịch mua bán trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, thủ đoạn của các đối tượng là nghiền nhỏ ma túy tổng hợp rồi trộn vào bột cà phê hoặc các loại nước ngọt rồi đóng thành túi, chai...
Đối với các loại thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, khi người dân sử dụng phải hết sức cảnh giác. Người lớn cần tuyên truyền cho các cháu nhỏ khi sử dụng các đồ ăn, thức uống lạ đưa từ nước ngoài về phải rất cảnh giác và không dùng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.
Tại Việt Nam, hiện nay có 540 chất ma túy tổng hợp được đưa vào quản lý, và hàng năm đều phát hiện thêm chất mới. Chỉ riêng từ ngày 29/5 đến nay đã xuất hiện 8 chất ma túy tổng hợp mới. Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện hơn 25.000 vụ việc, bắt giữ hơn 37.000 đối tượng, thu giữ 596kg heroin, 2,6 tấn và 2,4 triệu viên ma túy tổng hợp; gần 1 tấn cần sa.
Từ phương thức, thủ đoạn trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thường xuyên cập nhật, theo dõi các thông tin tuyên truyền về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới); phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa, tránh các nguy cơ, rủi ro liên quan đến ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình trong độ tuổi thanh, thiếu niên không tham gia tàng trữ, sử dụng các chất ma túy, không sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc hoặc chưa được chính quyền cấp phép lưu hành.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị người dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác tội phạm liên quan đến ma túy, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm về ma túy.
Mạnh dạn tố cáo những tổ chức, cá nhân có hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy cho chính quyền địa phương (Công an phường hoặc UBND phường) nơi mình cư trú; vận động người nghiện tham gia cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh của Nhà nước hoặc các cơ sở cai nghiện tư nhân để họ từ bỏ ma túy, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện và các hộ kinh doanh khác, tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc… để bày bán dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như các thực phẩm thông thường.