Văn hóa - Du lịch

Nghệ nhân vượt núi dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho trẻ vùng cao

Gia Ân - Đình Tuân 04/07/2023 - 13:45

Nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè, Đoàn Thanh niên thị trấn Thạch Giám, Tương Dương (Nghệ An) phối hợp với CLB bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí hè năm 2023.

Là huyện miền núi rẻo cao, Tương Dương (Nghệ An) có 6 dân tộc anh em sinh sống gồm: Kinh, Khơ Mú, Ơ Đu, Tày Poọng, Mông và Thái. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc riêng.

van-hao-1.jpg
 Các học viên được học các loại nhạc cụ như: khèn bè, sáo, tùng tinh, đánh trống.

Từ đời sống sinh hoạt gia đình, đồng bào các dân tộc đã sáng tạo ra rất nhiều nhạc cụ như khèn bè, sáo, pí, tùng tinh, trống, khèn lá...., các loại hình nhạc cụ tạo ra các loại âm thanh trầm bổng khác nhau, để diễn tả tư tưởng, tình cảm, đời sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước và con người.

Tuy nhiên, trước sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống, ảnh hưởng của quá trình hội nhập khiến cho văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị mai một, trong đó có nhạc cụ dân tộc.

Trước thực trạng đó, trong nhiều năm qua, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều giải pháp để trao truyền với mong ước bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau.

Vừa qua, Đoàn Thanh niên thị trấn Thạch Giám, Tương Dương phối hợp với CLB bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc đã tổ chức lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc miễn phí cho thanh thiếu nhi hè năm 2023.

van-hao-2.jpg
Các nghệ nhân tận tình chỉ dạy cho các học viên.

Tham gia lớp học có 40 học viên là những đoàn viên thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện miền núi. Lớp học được tổ chức trong 2 tháng, mỗi tuần 3 buổi.

Tại lớp học, các học viên sẽ được các nghệ nhân hướng dẫn kỹ năng sửa dụng các loại nhạc cụ dân tộc và lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian.

Theo ghi nhận, tất cả các em tham gia lớp học nhạc cụ dân tộc đều rất thích thú và hào hứng; các nghệ nhân ân cần chỉ bảo.

Anh Lương Văn Huỳnh, Chủ nhiệm CLB bảo tồn và phát huy các loại hình nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương, cho biết: “Bản thân tôi đam mê các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái từ nhỏ. Vì dành tình yêu cho tiếng khèn bè, tiếng sáo, tiếng pí, tiếng tùng tinh… nên hễ ở đâu có người chơi nhạc cụ dân tộc là tôi tìm đến để tìm hiểu, học cách sử dụng.

Thế hệ trẻ bây giờ, không mấy cháu mặn mà với nhạc cụ dân tộc. Vì muốn giữ lại nét văn hóa độc đáo của dân tộc cho hậu thế, nên khi Huyện đoàn liên hệ để mở lớp truyền dạy thì không chỉ có tôi mà tất cả anh em trong câu lạc bộ đều nhất trí giành thời gian truyền dạy miễn phí cho các cháu trong dịp hè”.

van-hao-3.jpg
Đây là sân chơi lành mạnh bổ ích cho thanh thiếu nhi trong dịp hè.

Nhà ở bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương, để đến với lớp học, nghệ nhân Lay Đại Cương phải vượt quãng đường hơn 25km. Dù đã bước sang độ tuổi 70, lại phải vượt qua quãng đường xa dưới cái nắng bỏng rát của mùa hè, nhưng ông Cương vẫn tuần 3 buổi đến lớp để trao truyền những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho các cháu thanh thiếu niên.

Ông Lay Đại Cương chia sẻ “Tôi luôn suy nghĩ rằng, các nét văn hóa cổ truyền dân tộc luôn là gốc rễ cần được gìn giữ, trao truyền và trân trọng. Vì vậy, tôi đã tình nguyên tham gia truyền dạy miễn phí cho các cháu thanh thiếu niên”.

Việc mở lớp truyền dạy các nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kế thừa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ được học tập, được thỏa mãn niềm đam mê.

Đây còn là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo cơ sở, tiền đề để đưa các giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đến với thế hệ trẻ, kịp thời phát hiện bồi dưỡng các hạt giống mới.

Gia Ân - Đình Tuân