Cải cách tư pháp

Nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Vũ Ba 04/07/2023 06:49

Sau 1 ngày làm việc, với hàng chục ý kiến đóng góp sôi nổi của các đại biểu, Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã diễn ra theo kế hoạch và đạt được kết quả khả quan.

Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến chủ trì, được tổ chức hôm qua (ngày 3/7), tại thành phố Hải Phòng.

nguen_van_tien_hp.png
Đồng chí Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 100 đại biểu gồm lãnh đạo TANDTC; đại diện lãnh đạo các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội; đại diện một số Bộ, ban, ngành Trung ương; các cơ quan, đơn vị thuộc TANDTC; TAQS một số quân khu, quân chủng; Chánh án TAND 28 tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc và lãnh đạo TAND hai cấp thành phố Hải Phòng.

Hội nghị đã ghi nhận 25 ý kiến đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị đóng góp vào Dự thảo Luật. Các ý kiến đóng góp của đại biểu đã bám sát vào 19 nội dung trong tài liệu về Dự thảo Luật do Tổ biên tập biên soạn.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí và đánh giá cao về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có kết cấu, bố cục phù hợp, ngắn gọn, thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, cần sớm có Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) hoàn thiện được thông qua, ban hành, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và giai đoạn tiếp theo.

gop_y_luat.png
gop_y.png
Các đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật như: Chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự; việc trả hồ sơ vụ án; việc khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa; việc đổi tên TAND huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh; vấn đề liên quan đến định danh Thẩm phán; các quy định về điều kiện và tiêu chuẩn của Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC… cùng nhiều nội dung khác được góp ý, thảo luận về quy định mới, cần điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Phát biểu kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cho biết, sau 1 ngày làm việc, Hội nghị đã ghi nhận 25 ý kiến phát biểu đóng góp đầy trách nhiệm, tâm huyết, thông tin bám sát với thực tiễn.

Phó Chánh án TANDTC đề nghị Tổ biên tập tiếp thu, tổng hợp toàn bộ ý kiến đóng góp để trình, báo cáo Ban soạn thảo; các đại biểu chưa đóng góp ý kiến tại hội nghị này gửi văn bản góp ý đối với Dự thảo Luật cho Tổ biên tập thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học; Chánh án TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAQS quân khu, quân chủng và thủ trưởng các đơn vị gửi báo cáo tổng hợp góp ý kiến đối với Dự thảo Luật theo chỉ đạo của TANDTC.

TANDTC sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai. Từ đó, TANDTC, Tổ biên tập sẽ tiếp tục thực hiện các bước, quy trình để hoàn thiện Dự án Luật theo kế hoạch.

Theo dự kiến Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ xây dựng 09 chương với 150 điều; trong đó giữ nguyên 09 điều; sửa đổi, bổ sung 90 điều; xây dựng mới 51 điều.

Hiện nay, TANDTC đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật để kịp thời trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Việc xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhằm thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền XHCN; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Khi Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được hoàn thiện, thông qua và ban hành sẽ khắc phục một số tồn tại, bất cập, những điểm không hợp lý của Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Vũ Ba