Nửa nhiệm kỳ đấu tranh chống tham nhũng không ngừng nghỉ
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian vừa qua khẳng định phương châm, cuộc chiến này “không bao giờ chùng xuống”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Chống tham nhũng không bao giờ chùng xuống
Chiều 29/6, Tòa án quân sự Thủ đô đã đưa ra phán quyết cuối cùng đối với 5 cựu tướng cảnh sát biển trong vụ án tham ô tài sản 50 tỷ đồng xảy ra tại Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn – cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển 16 năm tù, các cựu tướng còn lại lĩnh án từ 15 năm tù đến 15 năm 6 tháng tù.
Đây là một trong 5 vụ án trọng điểm được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử trong Quý II/2023.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm gần đây đã đưa nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao đứng trước tòa vì suy thoái về đạo đức, lối sống, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Công lý được thực thi, việc khắc phục hậu quả cũng được thu hồi một cách quyết liệt. Kết quả trên cho thấy, phòng chống tham nhũng, tiêu cực như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nói, đó là: “không bao giờ chùng xuống”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, xử lý một người để cứu muôn người".
Thực tiễn trong 10 năm, khi mô hình Ban chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, cuộc chiến “chống giặc nội xâm” đã có bước tiến mạnh, đột phá, thể hiện qua những con số tổ chức đảng, đảng viên mắc sai phạm bị xử lý, số vụ án, bị can bị khởi tố do tham nhũng hay số tiền bất minh thu hồi được năm sau đều cao hơn năm trước. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh.
Tính riêng từ tháng 1 đến tháng 5/2023, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Nhất là các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Đặc biệt, sau 1 năm Ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện.
Củng cố lòng tin của nhân dân
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, công cuộc “chống giặc nội xâm” đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Từ các vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tham nhũng, tiêu cực với đầy đủ mức độ tinh vi, phức tạp và tác hại nghiêm trọng.
Bước tiến vượt bậc đó còn thể hiện ở việc đi sâu, làm rõ bản chất của tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn các hành vi vi phạm, dù đối tượng có bỏ trốn ra nước ngoài vẫn xét xử vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật.
“Lâu nay ít khi nào chúng ta xử được tội đưa và nhận hối lộ mà thường chỉ xử tội Thiếu trách nhiệm hoặc Cố ý làm trái. Nhưng càng về gần đây, chúng ta đi đến tận cùng bản chất của hành vi tham nhũng, tiêu cực đó là đưa, nhận hối lộ, là tham nhũng với đầy đủ tính chất nguy hại, nghiêm trọng của nó. Đây là bước tiến mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông Nguyễn Thái Học cho biết, qua việc xét xử vắng mặt đối với những bị cáo phạm tội nhưng bỏ trốn ra nước ngoài thể hiện quyết tâm của Đảng. Đã vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm thì dù có trốn ở nơi nào cũng không thể thoát được sự trừng trị của luật pháp.
Bước tiến khác trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện ở cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn của các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; theo nguyên tắc kỷ luật Đảng đi trước, kỷ luật hành chính, rồi mới xử lý hình sự.
Theo dõi sát kết quả các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hay các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy – cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ sự tin tưởng rất cao đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Ông cho biết, nhờ sự chỉ đạo lớp lang, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng nên nhiều sai phạm “lẩn khuất” từ nhiều nhiệm kỳ trước đã bị đưa ra ánh sáng, nhiều “vùng cấm” được gọi tên bất kể người đó là ai, giữ cương vị gì.
“Chúng ta đã xử lý nhiều việc rất quan trọng, củng cố lòng tin của nhân dân. Đây là điều rất phấn khởi”, ông Nguyễn Đức Huy tin tưởng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hồi tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần phát huy kết quả đạt được, thực hiện “4 hơn” và “3 không”. Trong đó, “4 hơn” là: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa; “3 không” là: Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, vừa đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng vừa tăng cường công tác phòng chống tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa.