Đoạn tuyệt ma túy, trở thành công dân gương mẫu
Chính từ sự quan tâm của cộng đồng cùng với nghị lực của bản thân, anh Hoàng Văn Hiệp từ một người lầm lỗi đã xóa bỏ mặc cảm, từ bỏ quá khứ, vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân gương mẫu.
Những ngày hè cuối tháng 6, chúng tôi đến xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Hoàng Văn Hiệp, xóm Phượng Hoàng, xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Giữa cái nắng nóng, cùng với gió Lào thổi bỏng rát làn da, nhưng những người thợ mộc nơi đây vẫn cần mẫn cùng ông chủ Hoàng Văn Hiệp gấp rút hoàn thành lô sản phẩm để kịp giao cho khách hàng.
Đứng truớc cơ ngơi đồ sộ của anh, nhiều người không thể tin rằng, trước đây anh đã từng là người nghiện ma tuý. Mọi người vẫn thường tếu táo gọi anh là “ Hiệp nghiện”, anh em, bạn bè ai cũng kính phục anh bởi anh có ở ý chí, nghị lực từ bỏ ma túy và có gan làm giàu. Không những thế, anh Hiệp còn là là một tình nguyện viên tuyền truyền tích cực trong câu lạc bộ “Nhóm bạn giúp bạn”- một câu lạc bộ về truyền thông ma túy do Huyện Đoàn Hưng Nguyên và Đoàn Thanh niên xã Long Xá phối hợp thành lập.
Kể lại chuyện đời mình Anh cho chúng tôi biết, năm 1997, vợ chồng anh có mở một xưởng sản xuất gỗ. Lúc bấy giờ, xưởng của anh làm ăn rất thuận lợi, những chuyến đi mua gỗ trở nên thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trước những năm 2000, xã Hưng Long (cũ), nay xã Long Xá là một địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy.
Mặc dù biết tác hại của việc buôn bán ma túy, nhưng Hiệp đâu biết rằng, anh cũng là người bị những kẻ buôn “hàng trắng” lợi dụng và trở thành con nghiện để rồi rơi vào vòng lao lý.
Tháng 6/2000, anh bị bắt và Tòa án xử 7 năm tù về tội “buôn bán, sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy”. Trong thời gian cải tạo tại Trại giam số 3 Nghi Quang, Nghi Lộc, Hiệp đã rất ân hận về tội lỗi của mình và quyết tâm cải tạo tốt để trở về với vợ con. Nhờ đó, anh đã được ân xá và ra tù trước thời hạn 3 năm.
Mỗi khi nhắc đến quá khứ, anh bùi ngùi chia sẻ: “Nếu trước đây né tránh bao nhiêu, thì bây giờ anh đối diện với nó bấy nhiêu. Cũng nhờ những năm tháng ở trong trại giam đã giúp cho tôi hiểu lẽ sống ở đời. Tôi khuyên những ai đã từng có thời gian lầm lỡ hãy tin tưởng vào tương lai, vì cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu có thêm nhiều nghị lực”.
Sau một thời gian cải tạo ở tại Trại giam số 3 Nghi Quang, Nghi Lộc trở về gia đình, anh đã mạnh dạn đứng ra làm đơn xin vay vốn để xây dựng xưởng mộc mang tên mình.
Thời điểm đó, không có nơi nào cho anh vay vốn chỉ với lý do đơn giản “nghiện thì làm gì có tiền mà trả”. Thiếu vốn, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhân lực không có. Vậy là ước mơ làm làm lại cuộc đời gặp phải trở ngại.
Buồn chán, tuyệt vọng nhiều lúc anh lại nghĩ tới ma túy mong giải quyết hết những bức xúc, nhưng nghĩ đi nghĩ lại anh lại tự nhủ “Sống ở đời, không ai không mắc phải sai lầm, thiếu sót, điều đáng trân trọng là từ trong hoàn cảnh đó, họ đã vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời”. Chính vì thế, anh quyết tâm cố gắng để chứng minh bản thân mình.
Gia đình, bạn bè cũng thấy được quyết tâm của anh, nên đã mở ra cho anh một cơ hội làm lại cuộc đời. Năm 2005, được người thân, bạn bè giúp đỡ, cho vay gần 100 triệu đồng với chút vốn nho nhỏ vợ chồng giữ được bấy lâu nên quyết định mở rộng diện tích chăn nuôi ngan vịt, gia cầm với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, anh còn tham gia đấu thầu các công trình xây dựng như: xây kè đê 42 ở Nam Đàn, xây dựng trường bán trú Kỳ Sơn, Quế Phong, Trường mầm non Hưng Dũng... Tuy vậy, nghề mộc luôn là nỗi trăn trở của anh. Bàn với vợ, anh quyết tâm mở lại cơ sở sản xuất gỗ, lấy lại uy tín. Từ việc cung cấp gỗ cho những người thân quen, rồi bạn làm ăn của anh mỗi ngày một nhiều hơn, uy tín không ngừng được nâng lên. Hầu hết các loại gỗ như đinh hương, gỗ lim, dổi... đều do anh trực tiếp đến các Công ty xuất khẩu gỗ Lào, tìm đến các cơ sở ở Hà Tĩnh mua về.
Không chỉ cung cấp gỗ cho các công ty, mà anh còn nhận làm gỗ thành phẩm cho các hộ tư nhân như: cửa ván sàn, cầu thang, nhận đặt khung gỗ nhà thờ ở Nghi Lộc, Đông Vĩnh, các vùng lân cận. Để công việc được thuận lợi, anh thuê 4-8 lao động làm gia công và lắp đặt tại nhà, mỗi tháng anh trả từ từ 4 - 6 triệu đồng/người.
Từ tình yêu nghề, tâm huyết của mình, sau một thời gian ngắn anh đã nhận được sự đồng cảm, thương yêu và chia sẻ của cộng đồng. Đó chính là động lực lớn nhất giúp Hoàng Văn Hiệp thành công trong công việc. Bằng nghị lực, cố gắng và bằng cách sống của mình, Hiệp đã kéo gần khoảng cách giữa mọi người và mình, không còn bất cứ sự xa lánh, kỳ thị nào. Hiện nay, trung bình mỗi năm cơ sở anh thu nhập 300 - 400 triệu đồng.
Anh Hiệp chia sẻ: Thu nhập của mấy anh em chưa nhiều, mỗi tháng xấp xỉ từ 4 -6 triệu đồng/người, các dịp lễ, Tết bán được nhiều hàng thì khá hơn. Nhưng cái chính là ai cũng thấy được giá trị của sức lao động để toàn tâm toàn ý với công việc.
Năm 2013, xã Hưng Long ( cũ), nay xã Long Xá lại trở thành điểm nóng về tệ nạn ma tuý. Đứng trước những “cái chết trắng” đang rình rập những con người, những chàng thanh niên. Cảm thấy không thể đứng nhìn những người bạn đi theo “vết xe đổ” năm xưa như mình, anh Hiệp tình nguyện tham gia câu lạc bộ nhóm bạn giúp bạn mà Huyện Đoàn Hưng Nguyên và Đoàn Thanh niên xã Long Xá phối hợp thành lập.
Anh Hiệp luôn tích cực cùng tuổi trẻ xã nhà làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy. Đặc biệt, đối với những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm anh luôn tích cực khuyên răn, tìm ra biện pháp để giáo dục, giúp đỡ. Bởi hơn ai hết, anh đã thấy được, biết được tác hại và hậu quả của ma túy đối với cuộc sống của con người như thế nào. Nhờ đó, đã có một số thanh niên tiến bộ.
Anh Hoàng Văn Hiệp chia sẻ thêm: Chính công việc và các hoạt động xã hội đã khiến anh có niềm tin hơn vào cuộc sống. Mọi khó khăn đều có thể vượt qua, chỉ cần bản thân có nghị lực và cố gắng nỗ lực thật sự thì sẽ thành công và có kết quả xứng đáng. Anh nhắn nhủ đến các bạn trẻ: đừng vì thử ma túy một lần mà mất đi quãng đời tuổi trẻ tươi đẹp.
Cuộc sống hiện nay để tìm được một hướng đi đúng giúp người lầm lỗi hoàn lương vốn đã là một bài toán khó. Đối với anh Hoàng Văn Hiệp, nghị lực vươn lên của bản thân cộng với trách nhiệm của cộng đồng xã hội, những việc làm đầy tính nhân văn của chính quyền và nhân dân địa phương đã giúp anh từ bỏ quá khứ, trở thành một người lao động chân chính, một công dân gương mẫu.
Tiếp xúc với anh Hiệp, tôi càng thấm thía một triết lý nhân sinh bất hủ của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.