Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội
Sáng 1/7/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, quận Ba Đình và quận Đống Đa (Hà Nội), báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Nhiều vấn đề nóng được cử tri nêu ra
Các cử tri đều chung nhận định: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV đã thực hiện được nhiều nội dung quan trọng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào các vấn đề rất thiết thực với đời sống người dân và đã đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và có tính khả thi cao.
Cử tri cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục tập trung thực hiện quyền giám sát tối cao vào những lĩnh vực còn ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân như giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và hiệu quả quản lý, kinh doanh của ngành Điện lực, ngành Dầu khí, ngành Than, khoáng sản, giám sát việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tại các Tổng công ty, Tập đoàn, giám sát về lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh vàng, ngoại tệ.
Đề cập đến việc cắt điện, một trong những điểm "nóng" nhất tại kỳ họp Quốc hội mà cử tri và người dân quan tâm, cử tri Nguyễn Đức Thuận (quận Đống Đa) đề nghị cần phải kiểm tra, xem xét vai trò độc quyền của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
"Vì sao điện gió, điện tái tạo của Việt Nam có mà phải đi mua điện của Trung Quốc, Lào? Vì sao công ty con có nhiều tiền gửi ngân hàng, trong khi công ty mẹ thì thua lỗ, nợ nần?"- ông Thuận nêu ý kiến.
Còn cử tri Vũ Thị Thanh (quận Đống Đa) cho biết từ tháng 5-2023, EVN tăng 3% giá điện. Tuy nhiên, theo bà Thanh, nhìn chung dư luận chưa đồng tình về thời điểm tăng giá điện, bởi vào mùa nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng điện của người dân rất cao.
Bà Thanh cho rằng nếu tăng giá điện và sắp tới là tăng giá nước sạch, tăng học phí từ bậc mầm non tới trung học cơ sở, thêm vào đó các mặt hàng thiết yếu hiện nay đã tăng giá, như vậy sẽ ảnh hưởng tới đời sống của người dân, nhất là người lao động thu nhập thấp.
"Dư luận đặt câu hỏi, tại sao năm nào EVN cũng báo lỗ và xin tăng giá điện để bù lỗ? Dư luận cũng yêu cầu EVN cần xem lại hệ thống vận hành. Kiến nghị EVN chọn thời điểm tăng giá điện hợp lý hơn"- bà Thanh nói và cho biết dư luận đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý và cung ứng điện của EVN.
Các cử tri cũng bày tỏ sự quan tâm về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cử tri Hoàng Thanh Hồng (Ba Đình) nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đem lại niềm tin cho nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đề cập đến vụ đăng kiểm, ông Hồng nói đây là vụ việc đã để lại những hệ lụy không nhỏ.
“Cần xử lý nghiêm vi phạm để làm gương cho người khác. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, quy định để các trung tâm đăng kiểm sớm đi vào hoạt động ổn định”, ông Hồng bày tỏ.
Ông cũng bày tỏ lo lắng khi một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, ảnh hưởng đến người dân.
Cử tri Đặng Minh Hòa (Đống Đa) chỉ rõ thời gian qua đã đưa ra ánh sáng nhiều đại án như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, AIC…
Tuy nhiên, theo ông Hòa, còn một dạng tiêu cực đã tồn tại lâu nay, mặc dù đã được chỉ ra trong nhiều hội nghị nhưng xem ra không thuyên giảm mà có mặt vẫn diễn ra nghiêm trọng, đó là sự lãng phí.
Trong đó, có sự lãng phí khi những người được giao nhiệm vụ thiếu năng lực công tác, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm, né tránh đùn đẩy trách nhiệm…
Cùng với đó, nhiều bộ, cơ quan sau khi được bố trí trụ sở mới nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho địa phương. Nhiều khu đất có vị trí đắc địa, "đất vàng" ở các trung tâm đô thị nhưng bị bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí nguồn lực.
Từ đó, ông Hòa đề nghị đưa ra khỏi bộ máy những người vô cảm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tăng cường cơ chế và bộ máy kiểm tra giám sát quyền lực thật hiệu quả...
Cử tri Phùng Huy Đan (Đống Đa) cũng đề nghị cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Hà Nội phải xây dựng văn hóa con người, môi trường hòa bình
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn ý kiến của các cử tri nêu ra. Ông nhấn mạnh ý kiến của các cử tri ngắn gọn nhưng trúng, đúng vấn đề.
Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian nhắc lại các chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng của Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Trong đó, 3 chức năng cơ bản là xây dựng luật pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những công việc này được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về mặt Nhà nước, theo Tổng Bí thư, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quốc hội bầu ra Thủ tướng, phê chuẩn các thành viên Chính phủ, giám sát hoạt động của Chính phủ, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức như Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng..., đồng thời quyết định những vấn đề quan trọng.
Ông cũng chỉ rõ việc Chính phủ là cơ quan thừa hành nên khi Quốc hội đã có quyết định thì Chính phủ và chính quyền các cấp phải thực hiện theo.
Tổng Bí thư khẳng định Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa. Mỗi tỉnh, thành địa phương đều có đặc thù riêng nhưng Thủ đô thì chỉ có một. Do đó, Hà Nội phải xứng đáng là "Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người".
Theo Tổng bí thư, Hà Nội phải đặc biệt chú ý vấn đề văn hóa, từ những việc như đi đứng, ăn uống, ứng xử.
Bên cạnh đó, thành phố phải bảo vệ và giữ cho được các di sản văn hóa cha ông để lại, vì đó là nguồn sống, động lực, trách nhiệm của các thế hệ từ nay và mãi mãi về sau phải giữ gìn.
"Người Hà Nội phải phát huy truyền thống Thủ đô hào hoa thanh lịch, xây dựng văn hóa con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định, đây là chức năng rất cơ bản của Thủ đô", Tổng Bí thư nói.
Ông cũng đề nghị đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đóng góp thiết thực, tích cực vào hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của đất nước. Cái gì đúng phải bảo vệ, cái gì không đúng phải phê bình, phản đối, nếu cần phải đấu tranh không nhân nhượng.