Những "ông tướng" hầu Tòa
Đã từng một thời oai phong “hô mưa gọi gió”, nhưng khi ra đứng trước Tòa, những ông cựu tướng cũng giống như các bị cáo bình thường khác. Họ cũng đổ lỗi cho cơ chế, cũng tỏ thái độ ăn năn và một câu không bao giờ thiếu ở những phiên tòa là “xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Ngày 29/6, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội tuyên án đối với 7 bị cáo, trong đó có 5 bị cáo đã từng đeo hàm cấp tướng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Cụ thể, HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Sơn, (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) 16 năm tù; Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 15 năm 6 tháng tù. Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy) 15 năm tù; Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng) 15 năm tù; Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh) 15 năm tù; Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Phó Tư lệnh) 10 năm tù; Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó Phòng tài chính) 12 năm tù.
Các bị cáo trên đều bị truy tố, xét xử về tội danh “Tham ô tài sản”, với số tiền đã tư túi là 50 tỷ đồng.
Đây là một trong nhiều vụ án tham nhũng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà Tòa án đã xét xử và tuyên các bản án nghiêm khắc thời gian qua.
Tại phiên tòa, các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội. Nhưng qua lời khai của các bị cáo cho thấy, họ có một suy nghĩ rất đơn giản về hành vi rất nghiêm trọng của mình. Người ta không thấy sự tương xứng với cái hàm họ từng đeo, cái ghế họ từng ngồi. Thậm chí, một số bị cáo khai, bản thân chỉ biết sai sau khi bị điều tra, khởi tố.
“Nếu biết việc làm đó là sai, bị cáo sẽ không bao giờ làm”, đây có lẽ là câu bào chữa cửa miệng của hầu hết các bị cáo “tai to, mặt lớn” khi ra đứng trước Tòa. Người viết cho rằng, đó là "biểu hiện của sự lươn lẹo".
Những năm gần đây, công cuộc "đốt lò" đã phanh phui hàng chục vụ án tham nhũng, những đại án với hàng trăm bị cáo, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, có không ít bị cáo từng nắm giữ cương vị rất cao trong bộ máy công quyền. Thế nhưng, khi đối diện với pháp luật, nhiều người vẫn giả ngây giả ngô, ngụy biện và đổ lỗi.
Họ đổ lỗi cho cơ chế, đổ lỗi cho tham mưu hay cho cả "đứa đánh máy". Và nếu có nhận lỗi về bản thân thì chỉ là "thiếu hiểu biết pháp luật". Tuyệt nhiên, không ai tự nhận do lòng tham, do không cưỡng lại được cám dỗ vật chất. Ma lực của đồng tiền đã lấn át sự liêm chính, để rồi vô tư "cấu véo" hàng chục, hàng trăm tỷ đồng của nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh trước các cán bộ, đảng viên “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đáng tiếc, chỉ khi khúm núm, so vai rụt cổ trước Tòa thì họ mới thấm thía được câu nói đó.
"Quân pháp bất vị thân", quan điểm xử lý các vụ án tham nhũng của Đảng, Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai".
Những phiên xử công khai, những bản án nghiêm minh của Tòa góp phần cảnh tỉnh, răn đe, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền nhìn vào đó mà “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, phải biết giữ cái "thiêng liêng, cao quý" cho mình.