Trải nghiệm sắc màu thổ cẩm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Chương trình “Sắc màu thổ cẩm” trong tháng 7 giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, cùng các hoạt động trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Tại Làng, các nhóm nghệ nhân sinh sống hằng ngày vẫn giữ gìn và phát triển các nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.
Nghề dệt thổ cẩm mang những tri thức bản địa, kỹ năng sống, kiến thức tích lũy từ đời sống qua hàng trăm năm của đồng bào. Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm cũng mang lại nét đẹp, sắc màu riêng và không gian trải nghiệm cho du khách tham quan.
Tham gia chuỗi hoạt động có gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer), 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng).
Chương trình trình diễn nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc tại Làng với chủ đề “Màu thời gian” giới thiệu các loại hình dệt như nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc.
Khách tham quan được giới thiệu về nghề dệt và những sản phẩm đặc trưng của nghề dệt, được trải nghiệm quy trình dệt vải của các nghệ nhân; được tham gia thao tác một trong những công đoạn của quy trình ấy và mua những sản phẩm bà con tự dệt để hiểu thêm về giá trị văn hóa của các cộng đồng tạo nên từ các sản phẩm.
Đồng thời, chương trình trải nghiệm văn hóa truyền thống gắn với các không gian của đồng bào dân tộc sẽ mang đến cho du khách nhiều nét đặc sắc. Tại đây, đồng bào và du khách cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc.
Vào dịp cuối tuần, tại Làng tổ chức Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ, một nghi thức có từ thời Đức Phật còn tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ.
Một trong những hoạt động thú vị tại Làng mà khách tham quan luôn thích thú là tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; gà nấu mọi, gà nướng… của dân tộc Khơ Mú; mật ong rừng, phấn hoa, cà-phê, ca-cao… của dân tộc Ê Đê; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam...
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách tham quan đến với Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam.