Lối về của những tử tù
Đối với những tử tù thì lằn ranh giữa sự sống và cái chết là rất mong manh, thế cho nên việc họ nhận được quyết định ân xá miễn tội chết nó cũng chả khác gì chuyện được “tái sinh”.
Trả giá vì... tiền
Nguyễn Văn Vân (SN 1974) sinh ra trong một gia đình làm nông ở làng Đanh, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Do đông con, hoàn cảnh khó khăn, vất vả nên bố mẹ Vân quyết định đưa cả nhà lên sinh sống ở cửa khẩu Tân Thanh, với hy vọng đổi đời. Tại đây, Vân gia nhập vào đội quân bốc vác.
Làm việc được một thời gian, thấy “cứ ráo mồ hôi là hết tiền”, Vân bắt đầu ôm mộng làm giàu. Trong các mối quan hệ làm ăn, Vân đặc biệt ngưỡng mộ về mức độ giàu có và chịu chơi của một người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc.
Sau nhiều lần hàn huyên, tâm sự, Vân đã chiếm trọn cảm tình của ông ta. Đến lúc đó, ông ta mới rủ rê lôi kéo Vân vào con đường buôn bán ma túy.
Lóa mắt trước đồng tiền, Vân đã ngoan ngoãn nhận lời mời tham gia làm chân rết cho một đường dây vận chuyển ma túy từ Trung Quốc về Việt do bà trùm Nguyễn Thị Thơm cầm đầu. Cuộc sống của hắn cũng bắt đầu thay đổi từ đận đó.
Là "thổ địa" của vùng đất biên giới, Vân không quá khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vân đã tạo được lòng tin và khẳng định được vị trí trong đường dây. Nhưng, hắn cũng đầu ngờ rằng, cùng thời điểm đó, đường dây này đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan Công an.
Sau khi Vân vừa tham gia vào đường dây này được ít lâu thì “bà trùm” Nguyễn Thị Thơm bị bắt. Sau đó, đám đàn em, những mắt xích quan trọng trong đường dây của Thơm cũng lần lượt bị tóm gọn.
Tại Cơ quan điều tra, các đối tượng này khai đã mua bán hàng nghìn bánh heroin, mỗi chuyến “hàng” chúng vận chuyển từ 5 đến 30 bánh heroin, có thời điểm vận chuyển cả 7 ngày trong tuần, có ngày 2 chuyến.
Ngoài việc chủ yếu xuất “hàng” sang Trung Quốc, các đối tượng này còn hình thành một đường dây mua bán heroin, ma túy tổng hợp hai chiều Hà Nội - Đồng Nai - Bình Dương - TP. Hồ Chí Minh.
Kết thúc quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định, đường dây ma túy do Nguyễn Thị Thơm cầm đầu có hơn 100 đối tượng tham gia, chúng đã buôn bán, vận chuyển 1.479 bánh và 12,39 cây heroin.
Khi đường dây này bị triệt phá, đã có 22 người bị truy tố. Sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, có 11 án tử hình, 8 tù chung thân, 2 người bị 20 năm tù và 15 tháng tù. Với việc vận chuyển và buôn bán 52 bánh heroin, Nguyễn Văn Vân phải nhận hình phạt cao nhất của pháp luật, bản án tử hình.
Những ngày sau đó, nhiều lần Vân đã nghĩ đến việc quyên sinh để giải thoát cho mình, nhưng sau nhờ sự động viên của các cán bộ trại giam, hắn dần bình tâm lại. Trong lúc chờ thi hành án, Vân đã mạnh bạo viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước. Quãng ngày chờ đợi hồi âm là những ngày căng thẳng nhất đối với Vân, ngay cả trong thâm tâm hắn cũng biết, hy vọng sống là rất đỗi mong manh.
Và, như một điều kỳ diệu đã xảy ra, đơn của Vân đã được chấp nhận. Hắn như được tái sinh lần hai. Sau khi nhận được thông báo của cán bộ trại giam, Vân đã đứng lặng cả tiếng đồng hồ. Hắn không thể tin rằng mình được sống.
Dù đã được giảm xuống án chung thân nhưng Vân vẫn phải chôn vùi quãng đời phía trước sau song sắt, đó cũng là cái giá mà hắn phải trả cho tội lỗi của mình.
Đoán biết trước được tương lai khốn khó đang chờ đợi cả đại gia đình, Vân khóc, bảo: “Nhờ sự khoan hồng của pháp luật mà tôi được sống, không phải canh cánh nỗi lo lên “đoạn đầu đài”. Giờ tôi chỉ mong con mình sẽ vượt qua những khó khăn vất vả, những dị nghị đời thường, phấn đấu học cho tốt. Bởi, chỉ có học hành đến nơi đến chốn mới giúp chúng trưởng thành và cứng cáp lên được. Đồng thời, tôi cũng mong con mình không đi theo “vết xe đổ” của bố, không bị cuốn vào vòng quay nghiệt ngã của ma túy”.
Thoát khỏi “chuyến đò về âm phủ”
Trong “thế giới biệt giam”, có lẽ Sùng A Mua (SN 1987, ở Pù Nhi, Điện Biên Đông, Điện Biên) là một trong số những tử tù trẻ nhất Việt Nam. Mua bị bắt và lĩnh án tử hình khi vừa mới 19 tuổi, cái tuổi “nửa người lớn, nửa trẻ con”.
Nhà 5 anh em, Mua là út. Được ăn học đàng hoàng, Mua là niềm hy vọng của cả gia đình. Nhưng, tung hê tất cả, Mua đi buôn “hàng trắng”. Đến tận khi Mua bị bắt và đưa ra xét xử, nhiều người cũng không thể ngờ rằng, chàng thanh niên Mông khôi ngô, tuấn tú như “hot boy” kia lại là một ông trùm ma túy.
Có lẽ, tất cả bắt đầu từ tính phong lưu, đa tình đã đẩy Mua vào con đường phạm tội. Bởi, tuy đã vợ con, nhưng Mua vẫn thường dan díu với những cô gái trẻ đẹp trên thành phố Điện Biên. Để chiều lòng “nhan sắc”, và cũng để chứng minh về “đẳng cấp ăn chơi” của mình, Mua lao vào kiếm tiền.
Xuất phát điểm của Mua cũng giống như hầu hết những “gã trai Mông cắt rừng buôn ma túy” khác ở Điện Biên: Ban đầu làm “cửu vạn”, ai “thuê gì xách nấy”, tiền công mỗi chuyến từ vài triệu đến vài chục triệu. Tích tiểu thành đại, vốn liếng tăng dần, mối lái, ngón nghề cũng tàm tạm, thế là tách ra lập đường dây buôn bán riêng, tự mình làm ông chủ.
Theo thời gian, đường dây của Mua ngày càng phát triển. Có ngày Mua giao dịch đến vài trăm triệu tiền hàng, “doanh số” mà không phải ông trùm ma túy nào ở Điện Biên cũng đạt được. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng, cuối cùng Mua cũng bị bắt và bị tuyên án tử hình.
Phải đến tận khi ngồi trong bốn bức tường biệt giam chờ ngày trả án, Mua mới cảm thấy ân hận vì những lỗi lầm mình đã gây ra. Mua bảo, giá Mua biết an phận thủ thường, biết sống như những người đàn ông Mông bình thường thì gia đình đâu phải chịu nhiều đớn đau đến vậy, vợ và con gái Mua đâu phải sống hiu buồn trong căn nhà gianh tre nơi bản vắng.
Còn bố Mua nữa, hơn 70 tuổi đầu ông vẫn phải chắt bóp từng đồng để cưu mang cháu nội. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn đã bòn rút chút sức lực cuối cùng của ông khi tuổi già chạng vạng.
Nhưng mới đây, nỗi đau của cái gia đình bé nhỏ ấy đã vợi đi rất nhiều khi lá đơn xin ân xá tội chết của Mua được chấp nhận. Pháp luật khoan hồng cho Mua cơ hội sống. Không còn canh cánh nỗi lo phải bước lên “chuyến đò về âm phủ”, Mua chỉ biết khóc ròng. Vợ Mua khi biết tin cũng địu con vượt hàng trăm cây số đường rừng lên chia vui với chồng. Mua bảo, từ nay, Mua sẽ quyết tâm cải tạo thật tốt vừa để chuộc lại những lỗi lầm, vừa để mong có cơ hội đoàn tụ gia đình.
Trở về từ “cõi chết”
Cùng bị bắt với Mua và cùng bị lĩnh án tử hình, nhưng Sùng A Dũng để lại cho người ta nhiều tiếc nuối. Nếu như Mua là gã thanh niên mới lớn lêu lổng thích có tiền để chơi bời, gái gú, thì Sùng A Dũng (1986) lại hoàn toàn khác. Dũng được học đàng hoàng và con nhà cũng có thể gọi là bề thế.
Bố Dũng, ông Sùng Chứ Dềnh, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ngày còn đương chức, đêm nào ông cũng đi rao giảng cho đồng bào về tác hại của “con ma thuốc phiện”. Thế nhưng “dao sắc không gọt được chuôi”, ông không thể ngờ rằng đứa con trai, khúc ruột buốt xót của mình lại đang tâm đem “cái chết trắng” gieo rắc cho đời.
Sau khi học hết phổ thông, Dũng chọn con đường binh nghiệp với ước mơ sau này sẽ trở thành người lính bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc. Mà kể cả ước mơ đó có không thành sự thật, thì với bản lý lịch sáng lạn “không tỳ vết” như thế, chỉ cần ở nhà vài tháng là Dũng có thể đã được cấp uỷ, chính quyền mời gọi, tiến cử tham gia công tác tại địa phương.
Bản thân ông Dềnh cũng đã “nhắm” trước cho Dũng một vị trí trong bộ máy chính quyền xã Na Ư, nơi ông đang công tác. Thậm chí, ông đã chọn sẵn cả con dâu tương lai là một cô gái xinh đẹp ở bản bên. Chỉ chờ Dũng trở về, ông sẽ nhờ “bà mối sang nhà người ta nói chuyện”.
Nhưng oái oăm thay, ông tính không bằng trời tính. Vừa xuất ngũ, “buông súng” ở nhà với bố được ít ngày, Dũng theo chúng bạn qua biên giới buôn ma túy. Vậy là, đứa con trai mà ông Dềnh gửi gắm nhiều hy vọng cũng không thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa, nanh vuốt tàn độc của “con ma thuốc phiện”. Dũng bị bắt quả tang khi đang vượt núi mang “vàng trắng” về Na Ư.
Hôm Dũng bị đưa ra xét xử, dù đã đoán biết phần nào kết cục của con trai, nhưng khi nghe tòa tuyên án tử hình, ông Dềnh như người rơi xuống từ đỉnh núi. Trước khi Dũng được đưa về phòng biệt giam dành cho các tử tù, ông chỉ kịp dúi cho con nắm cơm nấu vội từ đêm trước.
Thời gian sau đó, khi có điều kiện, ông Dềnh lại cuốc bộ hàng trăm cây số đường rừng xuống thăm con ở trại giam. Lần nào ông cũng an ủi, động viên Dũng thành khẩn khai báo và yên tâm cải tạo. Chính từ những thông tin mà Dũng cung cấp, cơ quan công an đã phát hiện, bắt giữ thêm hàng chục đối tượng cộm cán trong đường dây vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn ở Điện Biên. Nhờ sự ăn năn hối cải và tinh thần hợp tác với cơ quan điều tra, Dũng đã được Chủ tịch nước ân xá miễn cho tội chết. Không chỉ Dũng được sống, mà ông Dềnh cũng như được “hồi sinh”…
Ông bảo, ông biết con mình “thân mang trọng tội”, được như thế là đã mãn nguyện lắm rồi. Giờ đây, ông đã có thể thanh thản sống nốt quãng đời còn lại. Còn Dũng, sau khi biết mình thoát khỏi bàn tay thần chết, Dũng bảo, số phận đã mìm cười với mình. Vầ cũng từ sau lần “trở về từ cõi chết”, Dũng đã biết nâng niu, trân quý từng phút sống, đã biết chuyên tâm cải tạo, biết gột rửa những lầm lạc trong quá khứ để hoàn lương.