Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch-Bài 1: Nghề làm hương truyền thống ở Phja Thắp
Nhắc đến những ngôi làng cổ ở Cao Bằng có thể kể như làng đá Khuổi Ky (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc) hoặc làng cổ Phja Thắp, ẩn mình dưới chân núi Phà Hùng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) của người Nùng An. Sự bình yên tĩnh lặng cùng một màu xanh bát ngát núi rừng đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của ngôi làng Phja Thắp với nghề làm nhang.
Ngôi làng tâm thức "âm dương"
Trong văn hóa của người Việt Nam, nén nhang (hương) được coi là cầu nối giữa cuộc sống hiện tại và thế giới tâm linh. Có lẽ vì cần một tấm chân thành như thế, nên dù cho có công nghệ hiện đại nhưng người Nùng An vẫn sử dụng phương pháp làm hương truyền thống của tổ tiên để lại, từ khâu chọn nguyên liệu, gia công đến ra sản phẩm.
Người Nùng An là một trong những dân tộc thiểu số đang sinh sống ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Họ có một nền văn hóa đặc sắc với nhiều nét đặc trưng riêng biệt.
Với đồng bào dân tộc Nùng An tại thôn Phja Thắp (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) chỉ có 50 nhân khẩu thì 100% các hộ dân nơi đây đều làm nhang. Mỗi người dân từ già làng đến những trẻ nhỏ, họ đều tự bảo ban nhau lưu giữ nghề mà cha ông để lại như “báu vật” của người Nùng An.
Chúng tôi đến Phja Thắp những ngày tháng 6 khi những cơn mưa rào vừa đi qua, ngôi làng hiện ra xanh mát, sáng ngời cùng mùi thơm ngọt trong ánh nắng ban mai của mùi cây bầu hắt (nhiên liệu làm hương).
Không gian tĩnh lặng, thi thoảng những đụn khói trắng lững lờ trôi trên những nóc nhà sàn của người dân nơi đây. Ngôi làng trong những ngày hè vẫn rất nhộn nhịp, từ người già đến trẻ em mỗi người một việc. Người có tuổi thì chẻ que, bó hương; thanh niên trai trẻ đi rừng kiếm nhiên liệu về làm hương; phụ nữ thu dọn nguyên liệu chế biến, trẻ con thì trộn bùn mùn cưa, phơi hương,… Tất cả tạo thành một quy trình trọn vẹn cho từng gia đình và ngôi làng Phja Thắp.
Trong tiếng chẻ que tí tách ấy, các cụ cao niên của làng nhỏm nhẻm kể chuyện cho chúng tôi nghe về thăng trầm của những người làm hương trong làng.
Cụ bà Hoàng Thị Piềng cho biết: “Nghề làm hương đã có mặt tại Phja Thắp từ rất lâu, từ đời này truyền cho đời kia. Nghề làm hương của người Nùng An được xem như “báu vật” giữ làng. Người Nùng An coi hương là sợi dây tâm linh gắn kết họ với tổ tiên và thần linh".
Người ta tin rằng khói hương mang theo những lời cầu nguyện và lễ vật lên thiên đường, và nó được coi là một yếu tố quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo và cuộc sống hàng ngày.
Ý nghĩa của cây hương đối với người Nùng An thể hiện rõ ở sự tỉ mỉ mà họ tạo ra từng cây hương. Các công đoạn làm hương đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không được phép cẩu thả, làm gian dối, kém chất lượng.
Làm hương có nhiều công đoạn rất phức tạp. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, các loại cây tạo mùi như đinh hương, cây thông.. và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau.
Nguyên liệu được đồng bào nơi đây sử dụng để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, các loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung... Nói về việc kiếm tìm nguyên liệu, anh Hoàng Văn Tuyên người dân trong làng kể lại: “Cây mai tốt mọc sâu trong rừng và chỉ có duy nhất mai ở huyện Trùng Khánh khi cháy mới có tàn cong. Bên cạnh đó, lá cây bầu hắt dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau cũng phải được đưa về từ những rặng núi cao thì mới có được mùi hương thơm tự nhiên. Thế nên để có đủ nguyên liệu người làm nghề phải tìm kiếm rất vất vả".
Nghề làm hương ở Phja Thắp đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế địa phương, người dân trong làng bán sản phẩm của mình tại các các phiên chợ trong tỉnh. Tuy nhiên, giá trị của việc làm hương vượt xa lợi ích kinh tế của nó. Đó là một tập quán văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ và là một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người Nùng An. Việc bảo tồn nghề thủ công này rất quan trọng để duy trì bản sắc văn hóa của cộng đồng và truyền lại truyền thống của họ cho các thế hệ tương lai.
Bảo tồn “báu vật” làng hương Phja Thắp
Gia đình bà Long Thị Diệu Thi là một gia đình người Nùng An đang sinh sống tại thôn Phja Thắp. Bà cho biết, ngoài làm nông nghiệp ra thì tất cả các hộ gia đình trong làng đều theo nghề làm hương của tổ tiên để lại qua nhiều thế hệ của người dân Nùng An.
Một trong những bí quyết thành công của nghề làm hương ở địa phương này chính là việc lựa chọn nguyên liệu thô phù hợp. Lựa chọn nguyên liệu đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra mùi hương độc đáo và chất lượng cao.
Kỹ thuật làm hương truyền thống của người dân Nùng An ở Phja Thắp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm hương thơm đạt chất lượng cao.
Để có được những bó hương cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Que hương làm từ thân cây mai được các thanh niên, người có kinh nghiệm trong làng đích thân đi chọn từ những cây mai tốt mọc sâu trong rừng. Sau đó, mai được những bàn tay khéo léo của các cô, bà chẻ nhỏ bằng tay rồi đem ra phơi cho khô hết nước.
Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây bầu hắt, đây chính là chất keo kết dính tự nhiên giữa các loại bột với que hương. được người dân đi vào rừng để tìm, vì theo họ cây có thể trồng được nhưng chăm sóc thế nào đi nữa thì lá cây không bao giờ có mùi hương như lá cây ngoài tự nhiên.
Lá cây bầu hắt sau khi hái về phơi khô sau đó được nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa, mùn cưa được từ những cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt chủ yếu là từ gỗ Đinh Hương, gỗ Thông...
Que hương được nhúng vào nước có bột lá cây bầu hắt đập lăn qua lăn lại để tạo hình tròn cho hương và tẩm hỗn hợp bột hương. Cứ thế nhúng đi nhúng lại hơn chục lần que hương thành phẩm dần dần hiện ra.
Sau khi hương được làm xong thì người dân mới nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây chăm che được trồng đầy quanh nhà rồi mới đem ra phơi. Trong tất cả các công đoạn thì phơi hương chiếm thời gian lâu nhất.
Tầm quan trọng của sự tỉ mẩn và tinh tế trong việc làm hương của người dân Nùng An ở Phja Thắp không chỉ giúp tạo ra sản phẩm hương thơm đạt chất lượng cao mà còn giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương này.
Hương thơm được xem như mối liên kết tinh thần giữa con người và thiên nhiên và nghề làm hương đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân Nùng An ở Phja Thắp, bà Piềng cho hay.
Bà Hoàng Thị Piềng cho biết, nghề làm hương truyền thống ở đây có ý nghĩa văn hóa tâm linh rất lớn. Hương đóng một vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo, nơi này, người ta tin rằng nó giúp con người giao tiếp với thế giới linh hồn. Người Nùng An làm hương để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và cầu mong sự phù hộ, che chở của họ. Tập tục làm hương đã được truyền qua nhiều thế hệ và nó vẫn là một phần thiết yếu trong di sản văn hóa của họ.
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, hương còn được sử dụng cho các đặc tính chữa bệnh của nó. Người Nùng An cho rằng đốt một số loại hương có thể giúp thanh lọc không khí, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ sử dụng nhang để điều trị các bệnh khác nhau, chẳng hạn như đau đầu, cảm lạnh và các vấn đề về hô hấp. Việc sử dụng hương cho mục đích chữa bệnh đã ăn sâu vào văn hóa của người Nùng An và là một phần không thể thiếu trong y học cổ truyền của họ.
Thắp hương cũng gắn liền với tục thờ cúng tổ tiên. Trong văn hóa Nùng An, người ta tin rằng các linh hồn của tổ tiên tiếp tục trông chừng và bảo vệ con cháu của mình. Vì vậy, người Nùng An thắp hương cúng tổ tiên để tỏ lòng thành kính, biết ơn. Họ cũng thắp hương trong các lễ hội và các dịp quan trọng khác để cầu phúc và may mắn. Tập tục thắp hương thờ cúng tổ tiên là một phần thiết yếu trong văn hóa của người Nùng An, thể hiện lòng tôn kính sâu sắc đối với tổ tiên và tín ngưỡng tâm linh của họ.