Cái giá phải trả của kẻ “đánh cắp” lòng tin
Đối với vợ chồng bà Tám, Phạm Trịnh Sanh Hòa (SN 1993, trú tổ 7, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) chính là kẻ táng tận lương tâm. Cảm giác thắt nghẹn ở lồng ngực của vợ chồng bà khi biết tin bị lừa và ngay cả hôm nay đối diện tại tòa, tất cả vẫn chưa hề vơi bớt.
Niềm tin đặt sai chỗ…
Chỉ trong vòng hơn 6 tháng, vợ chồng ông Thái Văn Mười (SN 1969) và bà Nguyễn Thị Kim Tám (SN 1968, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) từ nghèo đến chỗ vô cùng nghèo. Có bao nhiêu niềm tin, có bao nhiêu hi vọng cuối cùng không chỉ đổ sông đổ biển mà còn oằn lưng gánh món nợ bằng cả gia tài.
Đã từng rất hi vọng nhưng sự thật đã "giáng" cho ông bà Tám một cái đau điếng, hoàn cảnh của ông bà bây giờ đúng nghĩa “tiền mất tật mang”. Nhớ lại buổi đầu gặp gỡ, bà Tám còn tấm tắc khen Phạm Trịnh Sanh Hòa là cô gái đẹp người đẹp nết. Ít ra về ngoại hình, Hòa là người con gái có chút sắc vóc, nói về tính nết thì hòa nhã, nhẹ nhàng, nói lời nào đều thấy thấu tình đạt lý, đặc biệt sự nhiệt tình của Hòa thì khỏi phải bàn chê.
Bà Tám vì cả tin mà quên đi rằng, nghề nghiệp của Phạm Trịnh Sanh Hòa là “bán nước bọt bằng những lời dư thừa ngon ngọt” để lấy về cho mình những bản hợp đồng. Vì vậy, “nói” để lọt tai khách hàng là nghệ thuật, cũng là vũ khí của những nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ như Phạm Trịnh Sanh Hòa.
Một buổi hội thảo vào khoảng tháng 2/2020 của Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam mà Phạm Trịnh Sanh Hòa là nhân viên tư vấn, đã trở thành sợi dây buộc cuộc đời của vợ chồng bà Tám vào những ngày khốn khó. Ngẫm lại, bà Tám chỉ biết ôm đầu, thở dài trong muôn ngàn vạn lời bất lực “Già rồi lại chẳng đủ tỉnh táo mà rơi vào bẫy của một đứa chỉ bằng tuổi con tuổi cháu của mình, đấy chính là đau, chính là nhục”.
Chẳng là, sau cuộc hội thảo ấy, Phạm Trịnh Sanh Hòa kết thân với vợ chồng bà Tám và chuỗi ngày dài với những điều bất ổn bắt đầu. Bất ổn bởi, ông bà Tám dùng cả tấm chân tình, sự thật thà, rút ruột rút gan mà đối đãi với Hòa, ngược lại Hòa lại dùng sự lươn lẹo, xảo quyệt, mưu hèn kế bẩn để đáp trả.
Biết vợ chồng bà Tám chẳng có dư dả gì, biết vợ chồng bà có con trai trang đi nghĩa vụ quân sự, cũng biết vợ chồng bà mong muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn… cho nên, Hòa cũng rất biết cách để khiến họ lụy mình.
Sau nhiều lần thăm dò, Phạm Trịnh Sanh Hòa biết được vợ chồng bà Tám đã tin mình nên đưa thông tin gian dối về việc có khả năng xin vào học tại trường sĩ quan quân đội, sẽ “chạy” được cho con trai vợ chồng bà Tám một suất. Tuy nhiên, Hòa cũng đưa ra điều kiện là phải có chi phí “lót tay”. Nghe con đường Hòa vẽ ra hợp lý, vợ chồng bà Tám không nghi ngờ, cứ vậy sập bẫy lừa của cô nhân viên tư vấn bảo hiểm nhân thọ.
Tổng trị giá tài sản Hòa đã chiếm đoạt của vợ chồng bà Tám là hơn 589 triệu đồng. Lần thứ nhất, khoảng tháng 4/2020, Hòa biết thông tin con trai của bà Tám đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Tiểu đoàn 3 đơn vị 575, ngành thông tin, nên Hòa nói với vợ chồng bà có người quen làm trong quân đội, có thể xin cho con của ông bà đi học tại trường Sĩ quan, chi phí để lo công việc khoảng 200 triệu đồng.
Lần 2, khoảng tháng 7/2020, Hòa nói vợ chồng bà Tám đầu tư vốn vào Công ty TNHH Bảo hiểm Hanwha Life sẽ nhận được lãi suất 4%/tháng. Tin lời nói của Hòa, vợ chồng bà đã vay vốn tại ngân hàng Bản Việt Đà Nẵng để đưa cho Hòa số tiền 300 triệu đồng.
Lần 3, sau khi vợ chồng bà Tám làm thủ tục vay tiền tại ngân hàng Bản Việt Đà Nẵng để đưa tiền cho Hòa góp vốn vào công ty bảo hiểm nêu trên, Hòa nói vợ chồng bà Tám mở 2 thẻ tín dụng tại ngân hàng này (hạn mức sử dụng 20 triệu đồng/thẻ), để hàng tháng Hòa chuyển tiền lãi từ việc góp vốn đầu tư vào tài khoản cho vợ chồng ông bà. Tin lời Hòa, vợ chồng bà Tám cùng Hòa đến ngân hàng Bản Việt để làm 2 thẻ tín dụng, thẻ tín dụng đứng tên ông bà và giao cho Hòa. Sau khi nhận thẻ, Hòa đã sử dụng hết hạn mức 40 triệu đồng trong hai thẻ để tiêu xài cá nhân.
Lần 4, vào khoảng tháng 10/2020, Hòa nói với vợ chồng bà Tám cần tiền để giao tiếp xin việc cho con trai của ông bà, do không có tiền nên ông Mười đã đem xe máy cầm cố vay 14 triệu đồng rồi đưa số tiền này cho Hòa. Hòa chiếm đoạt tiêu xài cá nhân.
Lần 5, vài ngày sau khi ông Mười cầm cố xe máy, Hòa gặp ông nói đưa giấy cầm xe và tiền để Hòa lấy xe về giúp, sau khi lấy xe từ hiệu cầm đồ, Hòa không đưa xe cho ông Mười mà bán cho người khác lấy tiền tiêu xài.
Với 5 lần lừa gạt vợ chồng bà Tám, Hòa đã khiến vợ chồng ông bà trở thành con nợ, khó khăn ngập mặt. Vậy nhưng ở đời, không có chuyến xe nào chạy mãi không dừng, cũng không có cuộc chơi nào tồn tại mãi mãi, lại càng không có kẻ bất nhân nào lại tồn tại lâu trong bóng tối. Hòa đối diện với pháp luật, phải trả giá là điều hiển nhiên.
Và sự trả giá của lòng tham
Đối diện với vợ chồng bà Tám tại tòa, Hòa không dám nhìn thẳng. Tảng đá lớn của tội lỗi đè nặng trong lòng cũng vì lần đối diện này mà không tài nào dỡ bỏ được. Một lần sai, ngàn vạn lần sau đó đều sai, sự tham lam đã làm mờ đi lý trí khiến Hòa không thể nhấc chân được khỏi vũng lầy. Sự sự ân hận cũng vì thế mà trở nên quá muộn.
Quá trình bị khởi tố Phạm Trịnh Sanh Hòa được tại ngoại với lý do “người phạm tội là phụ nữ có thai”, tuy nhiên khi TAND TP. Đà Nẵng tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu Hòa cung cấp một số tài liệu liên quan đến việc sinh nở, giấy chứng sinh…, Hòa không thực hiện. Cũng vì lý do này, Tòa án đã yêu cầu thay đổi biện pháp bắt tạm giam chờ ngày xét xử.
Đôi khi sự sai lầm của một ai đó là “do bức mà ra” nhưng nếu nói về hoàn cảnh, Phạm Trịnh Sanh Hòa không phải là trong số đó. Duy chỉ có lòng tham, chính lòng tham và sự nhẫn tâm đã đẩy một cô gái vốn lương thiện vào con đường phạm tội.
Hành vi phạm tội của mình đã quá rõ ràng, vì vậy Phạm Trịnh Sanh Hòa không có ý kiến nào thêm. Tuy nhiên, ở một vài nội dung liên quan dù HĐXX nhiều lần hỏi nhưng Hòa vẫn không thể đưa ra câu trả lời, hay một lý giải nào biện hộ. Hòa nói bản thân đã sinh con, nhưng tuyệt nhiên không tài nào cung cấp được giấy chứng sinh, cũng không một lời giải thích vì sao không có.
Theo lời Hòa, cô làm mẹ đơn thân của một cặp song sinh, các con của Hòa được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Khi được hỏi, Hòa khai ngay sau khi sinh ra hai đứa trẻ không sống với cô mà sống với… bố đứa bé. Lời khai của Hòa thực sự không thuyết phục, hoàn toàn không có gì để chứng minh.
Sinh con nhưng không có giấy chứng sinh để cung cấp cho Tòa, làm mẹ đơn thân nhưng sinh ra không nuôi con mà để con cho… “bố đứa trẻ” nuôi, chính sự bất hợp lý này HĐXX đã phải đặt ra nghi vấn liệu “bị cáo có mang thai hộ?”, “bị cáo đang cố tình qua mặt các cơ quan tiến hành tố tụng?”. Dù là bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc sinh nở, Hòa đều chọn cách giữ im lặng đến cùng.
Sự tin người của vợ chồng bà Tám trong vụ án này đáng thương bao nhiêu thì cũng là đáng trách bấy nhiêu. Chính sự nhẹ dạ, tin người vô điều kiện của ông bà làm cho lòng tham của Phạm Trịnh Sanh Hòa có cơ hội và trở nên không đáy.
Phạm Trịnh Sanh Hòa phải trả giá cho hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của mình bằng 10 năm tù, trong khi đó với hoàn cảnh hiện tại của ông bà Tám, ông bà chắc sẽ phải mất gấp ngần ấy năm để trả các món nợ của mình.
(Tên bị hại đã được thay đổi).