Tăng lương có theo kịp tăng giá?
Từ 1/7, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng sẽ được áp dụng cho 9 nhóm đối tượng. Vấn đề đặt ra là, lương tăng liệu có theo kịp với giá cả tăng?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 5/2023 tăng 0,4% và so với cùng kì năm trước tăng 2,43%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kì năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%. Còn kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát tháng 6/2023 do Ngân hàng Nhà nước công bố hồi giữa tháng 6, thì lạm phát tháng 6 so với tháng 5 tăng khoảng 0,26%, lạm phát bình quân 2023 so với 2022 sẽ tăng khoảng 3,74%.
Như vậy có thể thấy, dù ngày 1/7 sẽ tăng lương cơ bản, nhưng các chỉ số CPI hay lạm phát vẫn trong vùng kiểm soát. Những lần tăng lương gần nhất không ghi nhận sự tăng đột biến của lạm phát cơ bản lẫn chỉ số giá tiêu dùng.
Kì tăng lương tháng 7/2018 mức tăng CPI tháng 6 là 0,61% và chỉ số lạm phát 6.2018 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước.
Ở kì tăng lương tháng 7/2019, thì chỉ số CPI lại tăng thấp nhất trong 3 năm trước đó. Điều này cho thấy việc tăng lương cơ sở không làm biến động quá nhiều CPI cũng như lạm phát.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2023, đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài Chính cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.
Theo Bộ Tài chính, một số giải pháp về điều hành giá cụ thể như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nắm bắt tình hình.
Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá thì thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành thận trọng phù hợp từng thời kỳ. Các cơ quan chức năng cũng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với đó là kiểm soát, điều hành giá.
Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá... Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.
Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ 01/7 sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV mới được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo Quốc hội lộ trình cải cách chính sách tiền lương tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI.
Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, ông Giang nhận định, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.