Đề xuất BHYT trả chi phí khám phát hiện sớm ung thư
Theo thống kê của Bộ Y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng gia tăng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cải thiện. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật BHYT đang được nghiên cứu sửa đổi, dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn.
Thông tin tại Hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật BHYT (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc thực hiện chính sách BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cả về độ bao phủ, quyền lợi người tham gia BHYT và chất lượng KCB.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, Luật BHYT hiện hành vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết; thậm chí một số văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, chưa đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bên cạnh đó, năng lực, điều kiện cơ sở vật chất và công tác quản lý cũng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở; chưa cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT…
Do đó, từ cuối năm 2018, Bộ Y tế cùng với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT (sửa đổi).
Theo đó, lần sửa đổi này dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn, đó là:
- Mở rộng đối tượng tham gia;
- Mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT;
- Đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở;
- Bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định;
- Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT.
ThS Nguyễn Trí Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT có nhiều điểm mới quan trọng, đột phá mạnh mẽ, tạo cơ chế pháp lý đầy đủ thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Dự án luật BHYT sửa đổi dự kiến có 2 nội dung lớn, mới là mở rộng phạm vi quyền lợi và chính sách BHYT bổ sung.
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất BHYT chi trả cho các dịch vụ như sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh, sàng lọc bệnh lây truyền từ mẹ sang con, sàng lọc, khám, chẩn đoán sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh tại nhà (người cao tuổi, người khuyết tật nặng), sử dụng vaccine, sinh phẩm, dinh dưỡng sử dụng trong điều trị…
Ngoài ra, một số ý kiến cũng đề xuất BHYT chi trả chi phí sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư. Tuy nhiên hiện chưa rõ các bệnh ung thư nào có thể được BHYT chi trả.
Bà Tống Thị Song Hương - Nguyên Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT mở rộng "là rất tốt vì hướng đến dự phòng, chủ động khám sàng lọc phát hiện sớm sẽ giúp giảm được chi phí khám chữa bệnh". Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ như hiện nay thì cần phải cân nhắc.
"Cần xem xét thực hiện sàng lọc, phát hiện sớm dịch vụ gì, bệnh gì, điều kiện để BHYT chi trả", bà Hương nói và nhấn mạnh thêm rằng, Bộ Y tế cần đánh giá tác động, đưa ra lộ trình cụ thể để không gây khó khăn trong thực hiện.