Phổ biến giáo dục pháp luật góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã triển khai thực hiện hiệu quả các đề án tuyên truyền pháp luật đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Phát huy hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong cộng đồng.
Đa dạng về các nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, nắm bắt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của từng nhóm đối tượng, địa phương. Tập trung tuyên tuyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sự, đất đai, giải phóng mặt bằng. Nâng cao hiểu biết, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ đó ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư.
Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày pháp luật, vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; các văn bản pháp luật mới, chú trọng các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức trong đời sống gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Phối hợp các ngành liên quan tuyên phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh…; kịp thời thông tin, phản ánh, lan tỏa, tôn vinh gương sáng trong xây dựng, thi hành pháp luật, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội.
Phối hợp với Liên đoàn lao động Thị xã tổ chức các đợt tuyên truyền cho đoàn viên công đoàn tại các nhà máy, doanh nghiệp về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, liên quan trực tiếp đến công nhân, lao động như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, Quy chế dân chủ, thỏa ước lao động tập thể... Qua đó phát huy vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc nâng cao kiến thức hiểu biết và chấp hành pháp luật của đoàn viên công đoàn, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Triển khai xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào bảo vệ ANTQ như mô hình “Trường học thân thiện, không vi phạm giao thông và tệ nạn xã hội”; CLB phụ nữ với pháp luật, CLB Phòng, chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật, “Tôi yêu biển xanh, mô hình “Chi hội không có thành viên vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, quy ước, hương ước của địa phương”.
Tổ chức “phiên tòa giả định” cho gần 3200 đoàn viên thanh niên, học sinh trường THPT Hoàng Mai, THPT Hoàng Mai 2, cho cán bộ hội viên hội phụ nữ xã Quỳnh Lập về phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội. Tổ chức các Hội thi Thanh niên với an toàn giao thông, "Hoà giải viên giỏi"; “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi”,... Thông qua các mô hình, cuộc thi, hội thi trên đã thu hút được sự quan tâm đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” tỉnh Nghệ An. Phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Phương thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về biển đảo, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; Luật thủy sản; Luật Biển và Công ước về Luật Biển năm 1982, Luật Biên giới quốc gia; Quy chế pháp lý vùng biên giới biển cho cán bộ, đảng viên và bà con ngư dân 03 xã, phường ven biển: Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên. Tiến hành biên soạn, cấp phát 1.500 tờ rơi pháp luật về chống khai thác Thủy sản bất hợp pháp cho các chủ tàu cá và các thuyền viên.
Tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, hôn nhân và gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng, chống đuối nước... cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang facebook, fanpage, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tuyên truyền trực quan pano, áp phích, băng rôn… Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý lưu động tại các thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong cộng đồng dân cư, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Việc triển khai thực hiện Chương trình, Đề án, Kế hoạch tạo cơ sở pháp lý PBGDPL giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu lực của pháp luật và hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để phát triển.
Với sự phấn đấu tích cực của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thị xã, 5/5 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và thị xã Hoàng Mai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt Nông thôn mới cấp huyện (năm 2021). Tốc độ phát triển kinh tế của thị xã Hoàng Mai năm 2022 đạt trên 14% đứng thứ 2 toàn tỉnh, quốc phòng – an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III, xây dựng thị xã Hoàng Mai ngày càng phát triển vững mạnh.