Giấc mơ dang dở của người Đan Lai
Đời sống - Ngày đăng : 05:30, 16/12/2014
Khu tái định cư số 2 ở bản Kẻ Tắt được khởi công xây dựng đầu năm 2011, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành và đón 35 hộ dân người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về đây sinh sống. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai đến nay, khu tái định cư này vẫn chưa hoàn thành, nhiều hạng mục còn dang dở và đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Vào khoảng thế kỷ 16, do sự áp bức bóc lột, sự truy sát của triều đình phong kiến, dòng họ La (họ của người Đan Lai) đã phải dắt díu nhau trèo đèo lội suối, vượt thác băng rừng chạy trốn và quyết định khai cơ lập ấp tại khu rừng xanh thẳm bao la, đó chính là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, bên dòng sông Giăng thơ mộng.
Họ sống tách biệt với thế giới bên ngoài từ đó và đặt tên cho bộ tộc mình là Đan Lai. Do sống tách biệt với xã hội văn minh, không được tiếp xúc với nền văn hóa tiên tiến của nhân loại, nên trình độ dân trí của họ thấp kém. Để duy trì nòi giống, họ đã phải chấp nhận hôn nhân cận huyết. Chính từ trong lối sống và cung cách sinh hoạt đã tạo nên những phong tục tập quán kỳ lạ như tục: Ngủ ngồi, đẻ ngồi, người chết ở trần, đóng khố không có áo quan...
Tục ngủ ngồi của người Đan Lai
Đứng trước những hủ tục lạc hậu và nguy cơ tuyệt chủng của người Đan Lai, ngày 19/12/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 280/2006/QĐ-TTg về: “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An)” với tổng số vốn đầu tư là 93 tỉ đồng.
Mục đích của đề án được đề ra nhằm xây dựng các khu tái định cư và tổ chức di chuyển 146 hộ của tộc người thiểu số Đan Lai, hiện đang sinh sống tại thượng nguồn Khe Khặng, thuộc 2 bản Khe Cồn và Khe Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) đến sinh sống tại 3 bản Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Bá Hạ, thuộc xã Thạch Ngàn. Sau khi ổn định và di chuyển thành công, sẽ tổ chức cho họ canh tác, sản xuất trên vùng đất mới, đưa điện đường trường trạm đến các khu tái định cư, mở mang trí óc, giúp họ hòa nhập cộng đồng và tiếp xúc với nền văn minh nhân loại.
Song, hiện tại, ngoài những hạng mục ở 2 bản: Kẻ Gia, Bá Hạ thuộc xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, thì một số hạng mục công trình tại khu tái định cư số 2, bản Kẻ Tắt còn dang dở và đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Theo như kế hoạch, đầu năm 2014, khu tái định cư bản Kẻ Tắt sẽ hoàn thành và đón nhận 35 hộ dân người Đan Lai ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát về đây sinh sống. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, giá trị khối lượng hoàn thành được quyết toán chỉ đạt 64,7% trên tổng mức đầu tư được duyệt (hoàn thành 26/35 ngôi nhà tái định cư).
Có mặt tại khu tái định cư số 2, một cảnh đìu hiu hoang tàn hiện ra trước mắt chúng tôi. Những ngôi nhà xây xong được bao bọc bằng phên nứa mục nát, các cột bê tông, gạch vữa có dấu hiệu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm xung quanh. Sân trường, trạm xá thành nơi chăn thả trâu bò, nơi nghỉ chân của những người đi rừng.
Ông Sầm Văn Bửu, Trưởng phòng Định canh định cư thuộc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: “Khó khăn nhất trong việc đưa 35 hộ dân Đan Lai về điểm tái định cư số 2 là, thiếu kinh phí, số tiền dự tính còn thiếu tới gần 15 tỉ đồng mới có thể xây dựng nốt 9 ngôi nhà tái định cư và hoàn thành một số hạng mục còn dang dở. Hiện nay, tỉnh không có ngân sách để chi cho việc thực hiện đề án, mà tất cả trông chờ vào nguồn vốn của Chính phủ".
Ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngân Xuân Nhung - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn tâm sự: "Mong rằng các cấp lãnh đạo sớm có phương án để những hạng mục công trình còn dang dở của khu tái định cư số 2 được hoàn thành và đón 35 hộ dân của tộc người Đan Lai về sinh sống, giúp họ ổn định phát triển, sớm hòa nhập cộng đồng".
Sau đây là một số hình ảnh tại khu tái định cư số 2 mà phóng viên Báo điện tử Công lý ghi lại được:
Các công trình hạng mục xây dựng còn dang dở, trơ trọi cùng gió sương
Trường học, trạm xá cỏ mọc um tùm, thành nơi chăn thả trâu bò