WHO nhấn mạnh sự khác nhau giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử
Mặc dù thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều cùng sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra nicotine bằng cách làm nóng thay vì đốt cháy như thuốc lá điếu truyền thống, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hai loại sản phẩm này hoàn toàn khác nhau và không thể đánh đồng chúng. Sự khác biệt này dẫn đến các hướng dẫn quản lý riêng biệt đối với từng loại sản phẩm từ phía WHO.
Không có dung dịch tinh dầu trong thuốc lá làm nóng
Thay vì trực tiếp đốt cháy điếu thuốc, thuốc lá làm nóng (TLLN) sử dụng thiết bị điện tử với công nghệ cảm biến nhiệt để vừa đủ làm nóng điếu thuốc lá đặc chế. Điếu thuốc lá làm nóng đặc chế này chỉ chứa nguyên liệu thuốc lá (tương tự như thuốc lá điếu thông thường) – gồm thân, cây lá thuốc lá, và hoàn toàn không sử dụng dung dịch tinh dầu như thuốc lá điện tử (TLĐT).
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tiến hành các kiểm nghiệm khoa học chặt chẽ và xác định rằng bên trong TLLN chỉ chứa nguyên liệu thuốc lá khô.
Khi sử dụng TLLN, người dùng sẽ hít khí hơi aerosol có nicotine trực tiếp từ nguyên liệu thuốc lá tự nhiên. Chính vì có sự khác biệt lớn ở quá trình đốt cháy nên FDA đã phân loại 3 sản phẩm thuốc lá khác nhau, bao gồm thuốc lá đốt cháy (combusted cigarette, như thuốc lá điếu, xì gà), thuốc lá không đốt cháy (non-combusted cigarette, như thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm), và thuốc lá điện tử (không có nguyên liệu thuốc lá, chỉ có dung dịch tinh dầu, như e-cigarette, hay vape, pod).
Theo đó, TLĐT không chứa nguyên liệu thuốc lá. Thay vào đó, thiết bị điện tử của sản phẩm sẽ sẽ hóa hơi dung dịch lỏng (tinh dầu) chứa hoặc không chứa nicotine. Điểm gây tranh cãi nhiều nhất của sản phẩm này chính là sự đa dạng của tinh dầu được sử dụng. Theo WHO, trên thị trường có khoảng 20.000 loại tinh dầu TLĐT, nhiều loại có mùi hương như bánh kẹo, trái cây... dễ thu hút giới trẻ. Sự hấp dẫn của những hương liệu này là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định sử dụng TLĐT của người dùng.
WHO khuyến nghị kiểm soát thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử riêng biệt
5 năm trước, từ Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP 8) diễn ra vào năm 2018, WHO đã xác định TLLN là một loại sản phẩm thuốc lá và đề nghị các quốc gia thực hiện quản lý theo luật hiện hành, đồng thời tuân thủ Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) đang được áp dụng cho thuốc lá điếu truyền thống.
Mặt khác, tinh dầu của TLĐT không ngừng phát triển nên theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đây là sản phẩm có tính chất phức tạp. Đồng thời, sản phẩm này không có nguyên liệu thuốc lá như thuốc lá điếu hay thuốc lá làm nóng. Do đó, TLĐT chưa nằm trong khuôn khổ các quy định luật hiện có và có thể tạo nên kẽ hở pháp lý. Chưa kể, với một số loại TLĐT có thể điều chỉnh được, người dùng tự pha trộn các chất khác vào tinh dầu theo ý muốn, trái quy định từ nhà sản xuất. Đáng lo ngại, một số đối tượng xấu lợi dụng điều này nên trộn ma túy, chất cấm vào TLĐT một cách bất hợp pháp. Điều này làm cho việc quản lý sản phẩm TLĐT trở nên khó khăn hơn. WHO cũng lưu ý thêm các hệ thống quản lý hiện tại hầu hết chưa đáp ứng kịp đối với các thay đổi về đặc tính của sản phẩm này.
Trong khi 184/193 quốc gia thành viên của WHO đã áp dụng các quy định kiểm soát TLLN tương tự như đối với thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá khác, khung quản lý cho TLĐT vẫn không có mẫu số chung. WHO cho biết, quy định của chính phủ về việc kiểm soát sản phẩm này sẽ phụ thuộc vào thực tế của từng thị trường. Hiện nay, có 30 quốc gia trên toàn thế giới cấm sử dụng TLĐT chứa nicotine. Mặt khác, các nước còn lại quy định TLĐT là hàng tiêu dùng hoặc là sản phẩm thuốc lá, hàng hóa khác, hoặc có nơi xem sản phẩm này là dược phẩm phải có sự kê toa từ bác sĩ trước khi sử dụng.
Trên thực tế, một số quốc gia vẫn chưa thực hiện quản lý nghiêm ngặt hoặc thiếu các quy định rõ ràng về việc sử dụng TLĐT. Do vậy, WHO cũng nhấn mạnh rằng, nếu việc cấm sử dụng hoàn toàn là không khả thi, thì cần thiết lập các quy định pháp luật nghiêm ngặt để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm TLĐT. Mục đích chính của quy định là ngăn chặn thế hệ người dùng mới hút TLĐT, cấm quảng cáo liên quan, hạn chế các hương vị TLĐT, cấm sử dụng trong các khu vực không cho phép hút thuốc lá trong nhà, ngăn chặn các tuyên bố về tác động đến sức khỏe chưa được kiểm chứng khoa học và nhiều vấn đề khác.
Thuốc lá mới đã có mặt trên thị trường Việt Nam gần 10 năm qua, đây là một thời gian khá dài để hình thành các quan điểm quản lý rõ ràng đối với TLLN và TLĐT. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang xem xét việc áp dụng luật hiện hành cho hai loại sản phẩm này.
Trong buổi tọa đàm "Thuốc lá thế hệ mới: Đủ điều kiện để quản lý ngay theo luật hiện hành", ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công thương chia sẻ: "Bộ đã tổng hợp và báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ về đề xuất xây dựng thí điểm đối với chính sách quản lý thuốc lá mới trong 2020 và 2021. Trong quá trình xây dựng khung quản lý thuốc lá mới thì chúng tôi đã lấy ý kiến từ các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp, các bên đều đồng ý và thống nhất là cần có một hành lang pháp lý cho loại hình sản phẩm này. Hiện Bộ tiếp tục được giao phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất việc quản lý, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tăng cường phòng chống việc buôn lậu".
"Đối với quan điểm của Bộ Công Thương, chúng tôi căn cứ vào ý kiến của Bộ Tư pháp cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay, nếu có sản phẩm thuốc lá mới nào thuộc phạm trù thuốc lá thì đề xuất đưa định nghĩa thuốc lá mới vào Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá", ông Hoàn nhấn mạnh.
Từ các dữ kiện trên, có thể thấy việc áp dụng Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với các sản phẩm chứa nguyên liệu thuốc lá như TLLN là điều tất yếu. Riêng các sản phẩm không chứa nguyên liệu thuốc lá như TLĐT, shisha... thì vẫn đang được các bộ ngành đánh giá và xem xét trên cơ sở một sản phẩm không có nguyên liệu thuốc lá thì liệu có phù hợp với luật hiện hành cũng như những ảnh hưởng của sản phẩm lên giới trẻ và cộng đồng.