Phóng viên thường trú khu vực Đông Bắc: Vinh quang chưa tỏ, nhọc nhằn đã phơi
Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc tổ quốc, có rừng có núi có biển- được ví như Việt Nam thu nhỏ với Vịnh Hạ Long thơ mộng. Vì thế nhiều cơ quan báo chí ở Trung ương chọn làm nơi “đồn trú”. Được làm phóng viên thường trú vùng biên giới là vinh dự lớn lao đi kèm với trách nhiêm và quá trình lao động tâm huyết, nhiều khi phải đối mặt với hiểm nguy…
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cùng nghe các ký giả vùng biên viễn chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời:
Nhà báo Quang Minh, Báo Giao thông thường trú tại Quảng Ninh: “Vui vì nhiều bài phản ánh được tiếp nhận, xử lý kịp thời”
Những người làm báo, niềm vui lớn nhất là những tác phẩm phản ánh của mình về những vấn đề dân sinh sau khi đăng tải được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Đối với PV Báo Giao thông cũng vậy, mỗi khi phản ánh về con đường xuống cấp, thiếu hộ lan… gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, sau khi phản ánh, chính quyền đã sửa chữa, khắc phục, được bà con điện thoại cám ơn. Đó là niềm động viên lớn nhất để tiếp tục lắng nghe, phản ánh những bất cập liên quan thiết thực đến đời sống dân sinh.
Tất nhiên, không phải lúc nào những phản ánh của phóng viên thường trú cũng được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp nhận, xử lý. Thậm chí, có nơi còn tỏ vẻ khó chịu, chỉ đạo cán bộ “né” không trả lời mỗi khi có việc liên lạc.
Là phóng viên thường trú của Báo Giao thông tại Quảng Ninh trong thời gian chưa dài, tuy nhiên, tôi cũng có thể cảm nhận được những khó khăn, vất vả của người làm báo ngành đứng chân trên địa bàn. Phóng viên ở địa bàn là phải có mối quan hệ với nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng đây cũng là rào cản không nhỏ trong quá trình tác nghiệp. Bởi khi có vấn đề cơ quan giao cần phải điều tra, phản ánh. Thế nhưng đều là người quen biết thì phải xử lý thông tin như thế nào để sau này gặp lại không bị trách “quen nhau thế, đề nghị thế rồi mà vẫn phản ánh…?”
Cái khó nữa là địa bàn Quảng Ninh rất rộng, khu vực biên giới, hải đảo nhiều, nên mất thời gian đi lại, tốn kém. Do đó, có lúc, có thời điểm không thể bao quát hết được thông tin phát sinh hàng ngày và nguy cơ sót, lọt thông tin thường trực xảy ra.
Phóng viên Tiến Thành, Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh: “Tôi hạnh phúc khi thấy nụ cười của người nông dân”
Là phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh, công việc của tôi gắn liền với tam nông, bao gồm nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong khoảng thời gian gần 2 năm làm phóng viên thường trú, tôi đã được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ và thú vị ở nơi đây.
Mỗi chuyến công tác, mỗi lần đi tác nghiệp là những lần tôi được “nếm” nhiều “hương vị” khác nhau. Vị mặn của những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, khi khoác ba lô băng đèo, lội suối cùng các cán bộ kiểm lâm đi bảo vệ rừng. Vị ngọt từ thành quả sau những ngày lao động vất vả, một nắng hai sương của người nông dân, có thể là quả ổi Sơn Dương thơm ngon, là trái dưa Đầm Hà tươi mát hay những chú gà Tiên Yên ngọt thịt.
Ông cha ta có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Với người phóng viên, những ngày đi làm là những ngày được tiếp cận, học tập những kinh nghiệm mới trong cuộc sống.
Trước đây, tôi cũng không biết cách chiết cành, thụ phấn tạo quả hay kinh nghiệm chăm sóc, chăn nuôi cho đàn gà, vịt… Nhưng sau những lần tác nghiệp, tôi được học thêm rất nhiều điều bổ ích từ những người nông dân thật thà, chân chất, sẵn lòng chia sẻ với phóng viên. Điều đó thật đáng trân quý.
Nghề nào cũng vậy, cũng đầy khó khăn, trăn trở, buồn có mà vui cũng có. Có thể nói, niềm hạnh phúc của người nông dân là sản xuất được ra sản phẩm chất lượng và hàng làm ra bán đắt như tôm tươi. Còn niềm hạnh phúc của tôi là khi được thấy nụ cười nở trên môi của họ, những người nông dân đất mỏ rắn rỏi, sáng bóng tựa như những viên than kíp-lê.
Phóng viên Duy Tùng, Báo Tri Thức và Cuộc Sống thường trú tại Quảng Ninh: “Nghề báo là nghề nguy hiểm”
Đối với tôi, một phóng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các phóng sự điều tra làm tôi nếm đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Quảng Ninh là địa phương phát triển, đẹp, rộng, có biên giới, hải đảo, có nhiều tài nguyên, đặc biệt hơn tỉnh lại là trung tâm của các nước với nguồn than vô cùng lớn.
Bởi thế ngoài sự phát triển như vũ bão của địa phương, bên cạnh đó vẫn tồn tại những sự việc sai trái diễn ra.
Với các bài viết về phóng sự điều tra, phản biện đã từng bị đối tượng từ chối cung cấp thông tin, bị tấn công bằng những lời lẽ đe dọa xâm hại đến tính mạng… Mặc dù vậy, mảng đề tài này vẫn luôn thu hút tôi thực hiện để có những tác phẩm hay và có ích cho xã hội.
Những bài phản ánh của tôi về những vấn đề nhức nhối của xã hội và tài nguyên của đất nước, và sau khi đăng tải được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Thực sự, nghề báo là nghề có nhiều khó khăn vất vả và nguy hiểm, trong đó làm những đề tài điều tra có thể coi là nguy hiểm nhất. Thế nhưng đã theo nghiệp làm báo, tôi luôn mong muốn thực hiện đề tài điều tra, coi đó là cơ hội để trải nghiệm đáng giá với bản thân mình. Vì mỗi phóng sự, phóng sự điều tra sẽ tạo nên tên tuổi của phóng viên, nhà báo, sự mến mộ của người đọc đối với tác giả cũng như cơ quan báo chí.
Tôi cũng đã dành thời gian nghiên cứu rất kĩ các đề tài cần làm và thu thập thông tin bằng sự “nhập cuộc thực tế” một cách khách quan nhất. Điều buồn nhất, là khi các sự việc sai phạm được liên hệ làm việc, thì một số cơ quan và những người liên quan đều tìm cách né tránh.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của báo chí, mảng phóng sự điều tra luôn tạo ra sự hấp dẫn nên dù biết sẽ khó khăn nguy hiểm nhưng phóng viên vẫn dấn thân, lăn lộn với vấn đề, sự việc. Theo tôi, ở lứa tuổi nào, nam phóng viên hay nữ phóng viên điều tra rất rất cần niềm đam mê, không ngại khó, nguy hiểm, theo đuổi sự thật và tìm đến được với sự thật.
Nhà báo Vũ Miền, cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam tại Quảng Ninh: “Nhà báo phải thường xuyên trao đổi, tìm tòi học tập những kỹ năng mới…”
Nghề nào cũng có những vất vả, những trăn trở suy nghĩ và những khó khăn mà chúng ta không lường trước được. Với nghề báo cũng vậy, đây được coi là nghề nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay và càng vất vả hơn với phụ nữ khi làm báo ở các cơ quan thường trú hay phụ trách một địa phương.
Đã là nhà báo thì dù là nam hay nữ, bất kể ngày hay đêm khi có vấn đề nóng, bất ngờ đột xuất xảy ra thì đều phải đến hiện trường tác nghiệp. Ngày nắng, ngày mưa bão, nghề khác có thể được ở trong nhà nhưng làm báo thì lao ra đường để đảm bảo thông tin được cập nhật chân thực, nhanh nhất và chính xác nhất.
Cho đến bây giờ trong xu thế làm báo mới hiện đại, yêu cầu về công nghệ thông tin, có thể tác nghiệp đa phương tiện, đa nền tảng cũng là thách thức không nhỏ với người làm báo nhất là với những người đã quen với tác phong cũ, cũng có tuổi tác nhất định.
Ngoài thường xuyên trao trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức tốt, đảm bảo tác phong, chuẩn mực của người làm báo thì mỗi người làm báo hiện nay đang đấu tranh với bản thân mình để ngày hôm nay, tốt, mới hơn ngày hôm qua... cũng phải thường xuyên trao đổi, tìm tòi học tập những kỹ năng mới, công nghệ số, hay học hỏi ngay chính các đồng nghiệp trẻ.