Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng cần thống nhất với Luật Đất đai
Sáng 23/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có bố cục gồm 6 Chương, 34 Điều. Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 2: Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 3: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự.
Chính sách 4: Chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Mục đích việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu thống nhất việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhằm chế hóa chủ trương của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH Kon Tum đánh giá, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự ngoài mục đích quản lý đối với từng loại, từng nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, quy định của luật cũng nên hướng đến việc phân loại nhằm phục vụ tốt cho công tác thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng.
Đại biểu cho rằng, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và quân sự dự kiến quy định tại dự thảo luật chưa tương thích với quy định về các trường hợp thu hồi đất vào mục đích quốc phòng tại Điều 61 Luật Đất đai 2013.
Về áp dụng pháp luật, nội dung quy định tại Điều 7 dự thảo Luật chưa cụ thể, chưa thể hiện rõ yêu cầu đặc thù cần phải đáp ứng cao và cấp thiết của công tác quân sự quốc phòng. Bởi vì, nếu cùng một vấn đề được quy định ở nhiều văn bản luật sẽ gây khó khăn, lúng túng khi áp dụng thực hiện, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, đến cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác xây dựng, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát áp dụng khoản 2 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung văn bản phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm trong các văn bản đã ban hành trái với quy định của luật này hoặc xác định cụ thể nội dung phải thực hiện theo quy định của luật này mà không thực hiện theo quy định của luật khác.
Về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng, điểm a khoản 3 Điều 11 dự thảo luật quy định: "Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự sang mục đích khác bao gồm cả chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng”.
Theo đại biểu, quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng là chưa thống nhất với quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 và nội dung dự kiến quy định tại Điều 123 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét nội dung này để có quy định thống nhất, khả thi.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có nhiều nội dung quy định liên quan đến quản lý bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, việc tạm giữ người, đồ vật, sử dụng vũ khí hỗ trợ…
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định để tránh xung đột với các Luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, dự thảo Luật cũng cần rà soát các quy định để đảm bảo phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của ĐBQH, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng và an ninh.
Đối với các nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, Bộ Quốc phòng sẽ có báo cáo gửi các ĐBQH để làm rõ một số nội dung chủ yếu.