Văn hóa - Du lịch
Nội dung và đồ họa: Tuyết Nhung 22/06/2023 07:08

Không gian văn hóa là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Và đó cũng là nơi để bạn bè quốc tế có thể tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa và giải trí của một cộng đồng hay một quốc gia. Đối với nhạc cụ truyền thống cũng vậy, mỗi loại đều được hình thành và đặt trong bối cảnh lịch sử và không gian văn hóa khác nhau. Thế nên để duy trì và phát triển các giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật của mỗi một loại nhạc cụ dân tộc trước hết cần bảo tồn chính không gian văn hóa của chúng.

bia.png

Nhạc cụ truyền thống - Bài 2: Bảo tồn từ không gian văn hóa

Không gian văn hóa là một phần quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Và đó cũng là nơi để bạn bè quốc tế có thể tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa và giải trí của một cộng đồng hay một quốc gia. Đối với nhạc cụ truyền thống cũng vậy, mỗi loại đều được hình thành và đặt trong bối cảnh lịch sử và không gian văn hóa khác nhau. Thế nên để duy trì và phát triển các giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật của mỗi một loại nhạc cụ dân tộc trước hết cần bảo tồn chính không gian văn hóa của chúng.

Tiếp nhận và tiếp biến các yếu tố văn hóa ngoại lai

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc - người đã đi qua và chứng kiến nhiều mốc son lịch sử quan trọng của đất nước - nhận xét: “Gốc văn hóa Việt Nam ở Đông Nam Á thuộc văn minh lúa nước. Ngoài vận động nội tại, theo thời gian, cái “gốc” ấy đã trải qua quá trình tiếp biến văn hóa, ghép thêm những yếu tố văn hóa ngoại lai (chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ (ít hơn) và phương Tây, điển hình là Pháp) để càng trở nên rực rỡ".

Với 4000 năm văn hiến, không khó hiểu khi đất nước ta có sự phong phú các loại nhạc cụ, các giai điệu và một lượng lớn đồ sộ các tác phẩm âm nhạc. Là phương tiện để con người bày tỏ tình yêu, cảm xúc đối với xã hội, thời cuộc. Chính vì vậy, nhạc cụ dân tộc mang nhiều sắc thái tình cảm khác nhau. Bên cạnh đó, chúng còn thể hiện những tư tưởng tôn giáo, đời sống tâm linh và phong tục tập quán của dân tộc.

am-nhac.jpg
Trống đồng Đông Sơn được coi là một biểu tượng của sự phát triển văn hóa cổ đại trong lịch sử Việt Nam.

Ngay từ những nền văn minh đầu tiên được tìm thấy qua hình vẽ trong hang đá hay những nhạc cụ cổ, chúng ta có thể thấy được sự lâu đời của âm nhạc Việt Nam, mà tiêu biểu nhất là chiếc trống đồng Đông Sơn. Nhiều chiếc trống loại này với quy mô đồ sộ, hình dáng cân đối, hài hòa đã thể hiện một trình độ rất cao về kỹ năng và nghệ thuật.

Đặc biệt là những hoa văn phong phú được khắc họa, miêu tả chân thật sinh hoạt của con người từ thời kỳ dựng nước. Chức năng chủ yếu của trống đồng vẫn là chức năng của một nhạc khí. Đánh vào vành 1-3 được nốt Si giáng, ở vành 4-5 được nốt Mi và Fa, ở vành 7 cũng được nốt Si giáng. Từ vành 9 trở ra lại trở lại nốt Mi.

Đến thời kì bị giặc phương Bắc xâm chiếm, nền âm nhạc nước ta lại chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, tiêu biểu nhất là sự phổ biến của các nhạc cụ như đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn nhị… Ngoài ra còn là ảnh hưởng của các nền văn hóa khác như Ấn Độ, Chăm Pa,... Nhạc cụ dân tộc Việt Nam sớm có những cải biên và quan điểm mới. Nhưng cũng phải mất thời gian khá dài để người dân có thể dung hòa hoàn hảo những yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài với những nét nổi bật vốn có của âm nhạc truyền thống.

Quá trình đó đã có rất nhiều khó khăn trong việc phát triển các không gian văn hóa của nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Khi chiến tranh thì trước hết phải lo an toàn cho con người, khi đói phải lo cơm ăn, áo mặc… Do vậy, nhạc cụ dân tộc trong thời gian này dù đã hình thành những nét đặc trưng riêng nhưng tính toàn dân chưa cao. Nó chỉ mới gói gọn trong một cộng đồng, quần cư và bị giới hạn bởi không gian địa lý cũng như nhiều yếu tố khác. Sự pha trộn giữa các yếu tố văn hóa cũng làm cho nhạc cụ dân tộc Việt Nam bị thay đổi nhiều mà không giữ lại những nét gốc từ khi mới hình thành.

Giai đoạn tiếp theo, lịch sử âm nhạc Việt Nam chứng kiến sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Đây đồng thời cũng là tiền đề cho sự ra đời của tân nhạc Việt Nam vào cuối thập niên 1930 với dòng nhạc tiền chiến có tính lãng mạn tách rời đời sống, thường không có không gian hoặc thời gian cụ thể và nối tiếp là thời gian đất nước chia đôi 2 miền Nam - Bắc.

Trong thời gian này, nhạc cụ dân tộc Việt Nam đã rơi vào giai đoạn thực sự khó khăn khi các nghệ sĩ, người dân bị hạn chế hoặc không được phép. Nhiều loại đàn đã bị tịch thu và bị phá hủy.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, âm nhạc Việt Nam dần được hoạt động trở lại nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Lúc này nền âm nhạc Việt Nam lại tiếp nhận thêm nhiều nguồn âm nhạc của các nền văn hóa châu Á, châu Âu, thậm chí châu Mỹ và châu Phi.

Đại tá, Nhà giáo ưu tú, nguyên Chủ nhiệm khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi trường Đại học Nghệ thuật quân đội – Nguyễn Chính Nghĩa nhận định: “Nhạc cụ dân tộc Việt Nam từ khi hình thành và phát triển là một quá trình rất khó khăn. Nó không đi theo trình tự phát triển một cách thông thường. Mà quá trình đó có nhiều thăng, trầm cùng với vận mệnh của đất nước. Việt Nam khó khăn để giành được độc lập thì với nhạc cụ dân tộc cũng vô cùng vất vả để có chỗ đứng như ngày hôm nay. Chính vì thế việc chưa thể bảo tồn, phát triển nhạc cụ dân tộc một cách toàn diện, sâu rộng là vì nhiều yếu tố tác động, chứ không đơn thuần là câu chuyện của thời đại".

hat-xamr.jpg
Hát xẩm một loại hình âm nhạc “bán chuyên nghiệp” tồn tại trong môi trường văn hóa dân gian.

Bảo tồn không gian văn hóa là cốt lõi giữ gìn bản sắc của nhạc cụ dân tộc

Một đặc thù của âm nhạc, nhạc cụ dân tộc là sống cùng đời sống, có những sự dịch chuyển và thích ứng với hoàn cảnh, không gian sống hiện thời của con người. Việc này cũng mở ra cơ hội cho các cộng đồng khác nhau khi giao lưu và trao đổi văn hóa, giúp tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa đối với những người khác. Tuy nhiên chính điều đó đã mang đến những nguy cơ đối với không gian văn hóa của nhạc cụ dân tộc.

Có những loại hình âm nhạc diễn xướng dân gian mà khi không gian văn hóa sinh ra nó, bao chứa nó bị thu hẹp lại hoặc mất đi thì không cách gì có thể phục hồi được.

Tại lễ hội, phần lễ bị thu hẹp, sinh hoạt cộng đồng đã đổi thay, một số loại hình nhạc cụ, diễn xướng cũng phải thay đổi theo. Nay có nhiều loại nhạc cụ chỉ được bảo tồn theo cách trình diễn tiết mục hoặc sân khấu hóa...

Bảo tồn không gian văn hóa âm nhạc của Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ và phát triển di sản văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự mất dần của các giá trị không gian truyền thống. Với sự phát triển của âm nhạc hiện đại, giới trẻ Việt Nam đang dần bỏ qua và quên đi những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống.

Các nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt, đàn đáy,... đang dần bị lãng quên, không còn được sử dụng rộng rãi trong các màn trình diễn nghệ thuật và các sự kiện văn hóa.

Ngoài ra, sự phát triển chưa đồng đều của các khu vực và địa phương cũng là một khó khăn trong bảo tồn không gian văn hóa âm nhạc. Không chỉ vậy, việc thiếu nguồn lực và chính sách hỗ trợ trong bảo tồn và phát triển di sản văn hóa âm nhạc cũng là một thách thức lớn.

Các hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa âm nhạc cần đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính và nguồn nhân lực.

vanhoa.jpg
Là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là niềm tự hào của người dân cao nguyên mà còn trở thành điểm nhấn độc đáo trong văn hóa Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn độc đáo trong văn hóa Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại chính là không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

UNESCO hết sức tinh tế khi không phải công nhận “cồng chiêng” hay “âm nhạc cồng chiêng” là Di sản kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại mà công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”. Không gian đó là rừng và làng.

Làng Tây Nguyên là một kết cấu “làng rừng” - một không gian thực hành văn hóa và tín ngưỡng lý tưởng cho các tộc người, nó bao hàm: một cộng đồng cư trú, một cộng đồng sở hữu và lợi ích, một cộng đồng tâm linh, một cộng đồng văn hóa. Nói khái quát, đó là một không gian văn hóa. Ngàn xưa, từ trong tăm tối hoang vu của núi rừng vây hãm, dòng mạch trầm tích Tây Nguyên vẫn bừng sáng bởi ngọn lửa thiêng, bởi âm thanh đàn đá, cồng chiêng và những vòng xoang kết nối cộng đồng. Đặc biệt, giữa không gian đại ngàn, những bộ sử thi kỳ vĩ đã cất lên tiếng nói của các dân tộc anh em thể hiện khát vọng chinh phục, vươn tới những giá trị cao đẹp.

chieng.jpg
Bền bỉ phát triển theo dòng chảy văn hóa Việt, đến nay Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn được duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc.

Không gian này không chỉ là nơi được dành riêng cho việc thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, nghi thức, lễ hội liên quan đến cồng chiêng trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các vùng miền núi, cao nguyên, mà còn là nơi giá trị đặc biệt trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Đó cũng là nơi gắn kết các thành viên trong cộng đồng, góp phần tạo nên sự đoàn kết và tinh thần đồng cảm giữa các thành viên trong cộng đồng.

Ngày nay, bên cạnh sự thay đổi phương thức mưu sinh thì làng (thiết chế xã hội cổ truyền) tan rã và rừng (không gian sinh tồn) bị phá vỡ, tác động không nhỏ đến sự mai một vốn văn hóa cổ. Bởi lẽ, khi không còn không gian thực hành đó nữa, văn hóa cồng chiêng cũng như những giá trị văn hóa quý giá khác sẽ khó có điều kiện bảo tồn, phát huy.

Hơn 50 năm lặn lội khắp núi rừng, buôn, bản vùng Tây Bắc, Việt Bắc và Tây Nguyên thực hiện các đợt điền dã, sưu tầm, nghiên cứu, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã nhận xét: "Thật đáng lo ngại khi mà kho tàng di sản văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang từng ngày bị mai một. Rừng - không gian sinh tồn đang cạn kiệt, những khu nhà mồ hoang phế, nạn chảy máu cồng chiêng và cổ vật, những người già trong các buôn làng ra đi và mang theo những bộ sử thi, những tri thức dân gian vô giá về với đất".

chieng5.jpg
Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Trong thời gian qua, việc bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã và đang được Đảng, Nhà nước và các cấp các ngành quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc hỗ trợ tài chính và chính sách cho các hoạt động này vẫn còn hạn chế. Để giải quyết các khó khăn trong bảo tồn không gian văn hóa âm nhạc của Việt Nam, cần có sự đồng lòng và sự đóng góp của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nghệ sĩ và cộng đồng.

Chúng ta cần tìm cách tạo ra các chính sách hỗ trợ và đầu tư để phát triển di sản văn hóa âm nhạc của đất nước. Đồng thời, cần tăng cường công tác giáo dục và tuyên truyền để giới trẻ hiểu và yêu thích những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Chỉ khi có sự đồng lòng và đóng góp của tất cả, chúng ta mới có thể bảo tồn và phát triển di sản văn hóa âm nhạc của đất nước một cách bền vững.

Ca Huế - dấu ấn đáng nhớ về sự giàu có, phong phú của nền âm nhạc dân tộc

Nói về việc gìn giữ tốt không gian văn hóa, chắc chắn phải đề cập đến mảnh đất kinh kỳ sứ Huế. Huế hiện là vùng đất còn bảo tồn, lưu giữ nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống đặc sắc, những không gian văn hóa riêng biệt để lưu giữ những loại đàn, giai điệu cổ của Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Huế đã không ngừng bồi tụ, giao lưu - tiếp biến, trở thành một nền văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thống nhất và đa dạng.

Du lịch Thừa Thiên Huế được xem là ngành kinh tế mũi nhọn mà trụ cột dựa trên những giá trị văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành di sản, mang bản sắc riêng của dân tộc, vùng, miền, địa phương.

Trong những năm qua, các giá trị văn hóa vật thể đã được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch và đã hình thành những sản phẩm đặc trưng mà du khách được trải nghiệm, thăm thú khi đến Huế. Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng từng bước được quan tâm và dần hình thành nên những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách.

Ngoài các hoạt động lễ hội dân gian, truyền thống, cung đình, tôn giáo trở thành mối quan tâm, lựa chọn của du khách, các loại hình âm nhạc cung đình Huế, Ca Huế cũng đang được khai thác và đưa vào các tour, tuyến du lịch, tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách khi đến Huế. Chính điều này cũng tạo nên nguồn thu nhập cho các nghệ sĩ nhạc cụ truyền thống.

Đêm xuống, màn sương dày lên. Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông Hương gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh... Một đêm ca Huế bắt đầu. Các ca công: nam với áo dài the, quần thụng, khăn xếp. Nữ áo dài, khăn đóng duyên dáng, uyển chuyển đã cất lên những tiếng đàn với màn biểu diễn điêu luyện: ngón nhấn, mổ, vỗ, ngón bấm, dây, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi... nghe du dương, trầm bổng, lúc khoan lúc nhặt "làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người…

Theo chia sẻ của Giám đốc công ty Lữ hành Nguyễn Hưng – một trong những doanh nghiệp tiên phong trong đưa ca Huế vào các dịch vụ du lịch cho biết: “Ca Huế - một thể loại âm nhạc cổ truyền gắn liền với tổng thể văn hóa Huế, nơi một thời là kinh đô phồn thịnh của Việt Nam. May mắn là không gian văn hóa của loại hình nghệ thuật này vẫn còn được duy trì và bảo tồn cho đến ngày hôm nay. Chính điều đó đã và đang làm cho số lượng du khách đến với Huế, muốn được trải nghiệm ca Huế ngày càng nhiều. Những nghệ sĩ tại Huế vẫn đang thường xuyên khai thác, phát huy để đây trở thành một “đặc sản” trong du lịch Huế và như một trong những “di sản sống” của Việt Nam".

Đại tá, Nhà giáo ưu tú, Nguyên chủ nhiệm khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi trường Đại học Nghệ thuật quân đội – Nguyễn Chính Nghĩa cho biết: “Bất cứ một bộ môn nghệ thuật, một loại nhạc cụ truyền thống nào chúng đều có giá trị khi đặt vào đúng hoàn cảnh văn hóa, bối cảnh lịch sử của nó. Trong thời đại bây giờ, các nhạc cụ dân tộc kết hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm sẽ là hướng phát triển tốt nhất".

Trong xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, bên cạnh những tín hiệu mới, tích cực và luồng gió mới trong văn hóa, nghệ thuật, là những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Các loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, ngày càng ít người quan tâm, các đối tượng lựa chọn nghệ thuật truyền thống để học tập và lập nghiệp ngày càng ít; công tác giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nhất là giới trẻ gặp nhiều khó khăn; việc xây dựng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kế cận có chất lượng cũng không dễ dàng.

nhac-cid.jpg

“Nhạc cụ dân tộc Việt Nam từ khi hình
thành và phát triển là một quá trình rất khó khăn. Nó không đi theo trình tự
phát triển một cách thông thường. Mà quá trình đó có nhiều thăng, trầm cùng với
vận mệnh của đất nước. ”

Nhà
giáo ưu tú, Nguyên chủ nhiệm khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi trường Đại học
Nghệ thuật quân đội – Nguyễn Chính Nghĩa

Chính vì vậy, bảo tồn không gian văn hóa là cốt lõi để giữ gìn bản sắc của nhạc cụ dân tộc và các giá trị văn hóa khác. Các không gian văn hóa, bao gồm cả không gian âm nhạc, là nơi các nghệ sĩ và nhạc công dân tộc có thể học và truyền lại kiến thức và kỹ năng của mình cho thế hệ sau. Nó còn giúp định hình và phát triển những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, giúp tăng cường nhận thức và sự tôn trọng văn hóa đối với những người khác, và thúc đẩy sự đa dạng và tôn trọng văn hóa trong xã hội.

Bên cạnh sự quan tâm từ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, điều cần thêm nữa là sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Bài học lịch sử của nhiều nền âm nhạc lớn trên thế giới là những tác phẩm kinh điển, mẫu mực của những nhà soạn nhạc, tác gia nổi tiếng chính đều có sự đầu tư từ phía tư nhân. Chăm lo cho âm nhạc dân tộc không thể cào bằng với các loại hình khác như pop, rock... mà phải có trọng điểm để luôn có những sáng tác mang tính kế thừa.

Nội dung: Tuyết Nhung

Nội dung và đồ họa: Tuyết Nhung