Quy định cấp phép khai thác tài nguyên nước phải đảm bảo công khai, minh bạch để tránh tiêu cực
Chiều 20/6, thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu đề cập đến quy định về việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần phải công khai, minh bạch, tránh dẫn đến tiêu cực.
Điều 44, Điều 76, Điều 77 dự thảo Luật quy định, việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đang có quá nhiều loại giấy phép với các tên gọi khác nhau, như: Giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất, giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép chấp thuận sử dụng mặt nước, các hoạt động thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ…
ĐBQH Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng cần phải rà soát lại, tránh trùng lặp giữa các loại giấy phép. Đồng thời quy định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền cấp giấy phép, trình tự, thủ tục cấp giấy phép, quyền, trách nhiệm của người cấp giấy phép; trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch, cụ thể để tránh dẫn đến tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Còn theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang), Điều 44 dự thảo Luật chưa quy định cụ thể trường hợp nào tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải xin phép; trường hợp nào tổ chức, cá nhân chỉ phải đăng ký. Trong khi đó, việc xin phép và việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước là khác nhau về trình tự, thủ tục, mức độ khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Đại biểu cũng chỉ rõ, trường hợp cấp phép và trường hợp đăng ký còn liên quan đến các nội dung khác của dự thảo Luật như khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải đăng ký thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Hay trường hợp không phải xin cấp phép thì UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể về trường hợp cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và trường hợp đăng ký khai thác sử dụng tài nguyên nước.
Về thẩm quyền cấp phép, dự thảo Luật quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước theo thẩm quyền”.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú góp ý, đây là quy định về thẩm quyền của các cơ quan trong cấp phép, cấp đăng ký, chứ không phải quy định chung là “theo thẩm quyền”. Vậy nên cần quy định ngay trong dự thảo Luật thẩm quyền của cơ quan Trung ương, thẩm quyền của cơ quan ở địa phương trong việc cấp giấy phép, cấp đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các trường hợp đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy đăng ký. Bởi lẽ, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân.
Phát biểu giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu và tiếp tục rà soát, tách bạch giữa thẩm quyền quản lý nhà nước của Trung ương và địa phương, bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.
Đồng thời, quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến cộng đồng, dân cư và tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, nhất là việc không lấy ý kiến hai lần, bảo đảm sự tham gia kiểm tra, giám sát của người dân đối với các dự án, công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế các dự án gây ô nhiễm nguồn nước.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp thu, hoàn thiện các quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đảm bảo hiệu quả nhất. Trong đó, nghiên cứu việc tiếp tục rà soát việc phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường nước, nguồn nước.