TS. Trần Bá Dung: Công nghệ tác động lớn đến báo chí
Theo TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, hiện là giảng viên Trường ĐH Thăng Long, cách mạng công nghiệp 4.0 là thành tựu rất lớn của nhân loại đã tác động đến nhiều ngành nghề trong đó có báo chí.
Bốn thuận lợi và cơ hội
Công nghệ mang đến rất nhiều cơ hội cho người làm báo về mặt tác nghiệp, phát triển nghề nghiệp; tạo cho phóng viên/nhà báo có môi trường làm việc thuận lợi, hỗ trợ quá trình tác nghiệp tại hiện trường của phóng viên/nhà báo nhanh hơn.
Phân tích về thuận lợi và là cơ hội của công nghệ phát triển tác động đến quá trình tác nghiệp của nhà báo, TS Trần Bá Dung đã chỉ ra 4 điểm thuận lợi cơ bản:
Thứ nhất, hiện nay để lấy tư liệu hay phỏng vấn một nhân vật, chúng ta giảm bớt được rất nhiều công sức, thời gian...; nếu không thể gặp mặt, có thể phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến, gửi câu hỏi qua email, gọi điện thoại…
“Cách đây 30 năm, khi thế hệ làm báo như tôi muốn phỏng vấn nhất định phải đến tận nơi, không thể phỏng vấn bằng hình thức viết thư tay; hay phỏng vấn qua điện thoại vì lúc đó không cho phép gọi quá dài”, TS. Trần Bá Dung nói.
Thứ 2, người làm báo, nguồn thông tin dữ liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Ngày xưa lưu trữ thông tin dữ liệu bằng giấy (bản cứng), khi phóng viên/nhà báo muốn tìm kiếm tài liệu phục vụ bài viết phải đến thư viện hay trực tiếp đến kho lưu trữ của cơ quan đó để tìm… Tuy nhiên công nghệ phát triển, nhiều tư liệu đó được số hoá đưa lên Internet, giảm rất nhiều công sức, thời gian cho người làm báo.
Thứ 3, tạo môi trường tác nghiệp nhanh, vì vậy phóng viên ngồi ở bất kỳ nơi đâu có Internet cũng có thể chuyển bài, dữ liệu về cho toà soạn.
“Cách đây 30 năm khi tôi đang là phóng viên của Đài tiếng Nói Việt Nam thường trú ở Đà Nẵng, để làm một bài phóng sự cho chương trình thời sự 18 giờ, tôi phải làm xong trong buổi sáng. 14 giờ chiều, tôi sang đài phát thanh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để dựng nhờ bài, sau đó ghi ra băng cát-sét. Xong, mang băng đó từ cơ quan thường trú (đi xe máy) ra bưu điện Đà Nẵng gọi điện, mở băng, chuyền qua ống nghe điện thoại ra Ban Thời sự Đài ở Hà Nội. Các đồng nghiệp ở Hà Nội ghi âm lại và phát vào chương trình 18 giờ.
Đặc thù của phát thanh, nếu thiết bị truyền dẫn không tốt thì tiếng sẽ bị méo (quá trình ghi lại qua điện thoại đường dài như vậy, giọng của nhân vật đã méo đi nhiều so với giọng thật). Hiện nay, công nghệ phát triển, thời gian làm việc nhanh, giảm bớt công sức cho phóng viên, nhà báo và chất lượng truyền tải âm thanh gần như bản gốc ”, TS. Trần Bá Dung kể lại.
Thứ 4, để đánh giá nhu cầu thông tin, xu hướng bạn đọc muốn tiếp nhận như thế nào, hiện nay các toà soạn có thể khảo sát thực tế hoặc tham khảo báo bạn trong nước và nước ngoài.
Từ những thuận lợi đó, TS. Trần Bá Dung cũng chỉ ra những thách thức mà người làm báo phải đối mặt như: Khả năng lựa chọn thông tin, kiểm chứng, áp lực về thời gian, về định mức lao động.
Ông đưa ra ví dụ, hiện các cơ quan báo chí đều có báo điện tử, phải chạy đua thời gian để có thông tin nhanh, nếu chỉ chậm 1 – 2 phút đã có vấn đề, điều đó cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tác nghiệp, khai thác thông tin của người làm báo. Nhiều phóng viên vì chạy đua thời gian dẫn đến không kịp hoặc bỏ qua kiểm chứng thông tin...
Đạo đức báo chí quyết định rất lớn đến quá trình hành nghề
Không chỉ giáo dục đạo đức và pháp luật cho sinh viên trong nhà trường, mà hiện nay, hàng năm Cục báo chí, Trường bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông đều mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí cho các cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các cấp; trong khoá bồi dưỡng này bao giờ cũng có một chuyên đề về đạo đức báo chí. Ngoài ra, các cấp Hội Nhà báo cũng tổ chức các buổi tập huấn đạo đức, pháp luật báo chí cho phóng viên/nhà báo.
TS. Trần Bá Dung nói: “Một thực tế hiện nay chúng ta đang phải đối mặt là cuộc chạy đua thông tin giữa báo chí với mạng xã hội, chính điều này dẫn đến đạo đức báo chí phần nào bị ảnh hưởng.
Cụ thể: Một số phóng viên, nhà báo ỷ lại các thông tin ở mạng xã hội, lười kiểm chứng dẫn đến đưa sai sự thật hay xào xáo thông tin của các báo khi chưa xin phép nhân vật, toà soạn. Hay từng có một lãnh đạo chia sẻ với tôi “ông ấy không trả lời phỏng vấn báo A, nhưng phóng viên báo này đã dựng, lắp ghép thông tin từ nhiều báo để thành một bài phỏng vấn do ông ấy trả lời”.
Bên cạnh đó, TS. Trần Bá Dung nhấn mạnh thêm, nhiều chương trình đào tạo hiện nay của các trường mang tính dàn trải, đòi hỏi người học cái gì cũng phải biết nhưng chưa chuyên sâu; nhiều khi các trường nghiêng về đào tạo công nghệ, không hướng dẫn, chỉ dạy sinh viên ứng dụng công nghệ đó vào quá trình làm báo như thế nào, những góc nhìn đánh giá vấn đề, sự nhạy cảm về thông tin, báo chí ra sao thì chưa sâu.
Nhiều trường chưa thực sự quan tâm đến đào tạo ngôn ngữ báo chí, truyền thông cho sinh viên. Mà trong báo chí, ngôn ngữ không phải lúc nào cũng sử dụng như truyện ngắn, tiểu thuyết, cần phải hiểu ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ chuyên ngành mà người làm báo phải nắm được.