Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự
Chính trị - Ngày đăng : 14:24, 20/06/2023
Luật được thông qua có 7 chương với 55 Điều, quy định nguyên tắc, hoạt động phòng thủ dân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm thực hiện phòng thủ dân sự.
Luật quy định nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự gồm: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và nhân dân. Được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm 4 tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân.
Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản của nhân dân, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự. Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự, Luật quy định: Ưu tiên đầu tư xây dựng công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng theo quy hoạch, kế hoạch; mua sắm trang thiết bị phòng thủ dân sự. Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng thủ dân sự, xây dựng lực lượng chuyên trách về tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang. Huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự. Phát triển, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và hiện đại vào hoạt động phòng thủ dân sự. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm cho hoạt động phòng thủ dân sự…
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự: Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan, hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép. Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự. Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân. Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm hoạ. Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự. Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích; khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng. Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...
Lực lượng phòng thủ dân sự, luật quy định: Lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của quân đội nhân dân, công an nhân dân và của bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, địa phương. Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.