Chính trị

Báo chí cách mạng trong sự nghiệp đổi mới

Bảo Nam 20/06/2023 07:18

Báo chí là bộ phận khăng khít trong sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, báo chí tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo.

z4188829607315_deb3a.jpg
Lễ khai mạc Hội báo toàn quốc 2023.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn khẳng định báo chí là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng của Đảng. Thực tế khẳng định báo chí cách mạng nước nhà luôn là binh chủng, lực lượng đặc biệt, xung kích trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp lớn lao vào các cuộc kháng chiến, kiến quốc trường kỳ và vĩ đại của dân tộc.

Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo, định hướng của Đảng, báo chí nước nhà đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành quả của công cuộc đổi mới.

Những năm qua, báo chí cách mạng đã phản ánh khách quan, sinh động mọi mặt của đời sống xã hội; truyền tải tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu lên nhiều vấn đề thực tiễn; cung cấp nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện lý luận, hoạch định chủ trương, chính sách và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.

Báo chí đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin, truyền thông, góp phần định hướng dư luận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân; đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; đi đầu trong việc lan tỏa thông tin chính thống, hình ảnh một Việt Nam an toàn, ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển, góp phần thực hiện thành công đường lối, chiến lược đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

phong-vien-dai-hoi-dang-260121-11.jpg
Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Với thế mạnh của hệ thống báo chí nước nhà, công tác tuyên truyền phòng chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp tạo sự chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại của tham nhũng đối với việc giữ vững an ninh chính trị, ổn định đất nước; về tầm quan trọng cũng như những khó khăn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xác định mục tiêu cải cách tư pháp là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và từng bước hiện đại hóa, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN và đề ra nhiệm vụ “tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động tư pháp”.

Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp đã có những bước chuyển biến tích cực. Báo chí với vai trò là “cầu nối” đưa các chủ trương, nhiệm vụ, nội dung, kết quả cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường sự hiểu biết xã hội và tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; đồng thời giúp cho việc phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, hạn chế oan sai.

Đối với các cơ quan tố tụng, việc thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong những năm qua, TANDTC đã rất chú trọng đến công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực này. Lãnh đạo TANDTC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của Tòa án nhằm tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ tốt các hoạt động của TAND. Chủ động thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và TANDTC như: Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; công tác cải cách tư pháp tại TAND; triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của TAND… Các ấn phẩm báo chí, xuất bản với nội dung và hình thức được đầu tư công phu, với các bài viết chất lượng cao…

Bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, hoạt động báo chí ở nước ta còn những tồn tại, hạn chế. Đại hội XIII của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ rõ: “Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập.”…

Về xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam thời kỳ mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Đây là sự tiếp nối, nhất quán quan điểm, chủ trương trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới.

Với thành tựu của hơn 35 năm đổi mới đất nước, với những chủ trương, định hướng, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hiện nay, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan báo chí nước nhà tiếp tục thực hiện sứ mệnh, phát huy truyền thống nền báo chí cách mạng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới cùng toàn Đảng, toàn dân giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, mục tiêu phát triển của đất nước trong bối cảnh và giai đoạn mới.

Cùng với đó, báo chí cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí; kiến tạo không gian, môi trường văn hóa trong hoạt động báo chí.

Trong bối cảnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi mạnh mẽ các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, đổi mới tư duy, cách làm báo, trên cơ sở kết hợp giữa nội dung tốt và công nghệ hiện đại, nền tảng số để tiếp cận với độc giả, dựa vào độc giả để tiếp tục lan tỏa thông tin rộng rãi.

Báo chí cần huy động, tập hợp được lực lượng thống nhất, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, đóng vai trò dòng chảy chính trên xa lộ tin tức không ngừng nghỉ. Từ đó đa dạng hóa thị trường, kinh tế báo chí, đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao mức sống cho người làm báo…

Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ những người làm báo cả nước nói chung và những người làm báo trong hệ thống TAND nói riêng không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tăng cường đoàn kết, chung sức, đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì sự phát triển của đất nước.

Bảo Nam