Phóng sự - Ghi chép

Những “xưởng cơ khí 0 đồng” giữa trùng khơi

Quốc Hải 20/06/2023 07:15

Trên nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà), ngoài các đơn vị quân đội, đơn vị hành chính, khu văn hóa, tâm linh, trạm hải đăng, còn có những “xưởng cơ khí 0 đồng”, mỗi năm sửa chữa miễn phí cho hàng chục tàu thuyền, là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Miễn phí nhân công sửa chữa

Đảo thứ 2 Đoàn công tác chúng tôi đặt chân trong hải trình hơn 1.200 hải lý đến với Trường Sa thân yêu là Đá Tây A. Lúc này là hơn 6 giờ sáng. Sau vài câu chuyện tiếu, các cán bộ, người lao động Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A (đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khởi động máy móc để bắt đầu công việc cho một ngày mới.

Ông Dương Đình Vinh – người có hơn 15 năm công tác tại đảo Đá Tây A đưa chúng tôi đi tham quan xưởng cơ khí và nhiệt tình giới thiệu về hàng chục loại máy móc, nguyên lý hoạt động cũng như công việc, nhiệm vụ được giao.

“Xưởng cơ khí này diện tích khoảng 150m2. Đây là máy nắn ống, đây là máy nâng, đây là máy tiện, kia là máy nổ, máy khoan, mày hàn…”, ông Dương Đình Vinh đi tới từng chiếc máy để giới thiệu cho chúng tôi.

Ông Vinh cho biết, xưởng cơ khí này có hai người thay phiên nhau hoạt động. Công việc chính là giúp ngư dân sửa chữa tàu thuyền khi gặp sự cố, hạn chế chi phí sửa chữa. Thời gian rảnh, ông Vinh còn cùng cán bộ Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá bảo đảm hậu cần cho ngư dân yên tâm bám biển.

“Mỗi khi tàu, thuyền ngư dân hư hỏng, hoặc lấy nước, đồ ăn sẽ vào đảo Đá Tây A và nhân viên trung tâm sẽ phục vụ hết mình, để chuyến ra khơi của ngư dân bảo đảm an toàn, đánh bắt được nhiều sản lượng”, ông Vinh nói.

xuong-co-khi2(1).jpg
Ông Dương Đình Vinh giới thiệu với chúng tôi về nguyên lý, công dụng của máy cắt.

Theo ông Dương Đình Vinh, quá trình khai thác thủy sản, các tàu thường hỏng bánh lái, trục láp, các dụng cụ như tời, neo, cột neo… Khi đưa tàu vào sửa chữa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đều miễn phí về nhân công. Trường hợp hỏng nặng, sẽ cố gắng khắc phục, bảo đảm an toàn để ngư dân đưa vào đất liền sửa chữa.

“Các bệnh chúng tôi thường sửa cho ngư dân nhất là bánh lái, trục láp. Có khi trục láp bị cong, ngư dân tháo ra đưa vào đây thì chúng tôi chế ra bộ dụng cụ, rồi đưa kích vào kích, nắn lại. Dù không hoàn chỉnh được 100%, song cũng đạt khoảng 90%, có thể giúp bảo đảm an toàn để bà con đi về đất liền sửa chữa thay vì phải nhờ tàu bạn lai dắt vô cùng tốn kém”, ông Vinh chia sẻ.

Tiếp đó, ông Dương Đình Vinh dẫn chúng tôi ra ngoài cách khu xưởng khoảng 200m để tham quan triền đà. Trên triền đà lúc này là con tàu 04 đang chờ các vật tư để sửa chữa. “Tàu 04 này dùng để dự trữ dầu bơm cho ngư dân, đã phục vụ ở đây hơn chục năm. Hiện trạng tàu bị bục mạn, chúng tôi đang chờ vật tư để sửa chữa, hạ thủy tiếp tục phục vụ cung cấp dầu cho ngư dân”, ông Vinh cho biết.

Đại úy Đoàn Văn Phong, Trạm trưởng Trạm Biên phòng đảo Đá Tây A (Đồn Biên phòng Trường Sa, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa) cho biết, quá trình tàu bè gặp nạn, hư hỏng sẽ báo cho bên trung tâm, trung tâm sẽ cùng Biên phòng kiểm tra phương tiện, hướng dẫn sửa chữa. Sau khi đội sửa chữa bên trung tâm đánh giá xong, tùy theo tình trạng hỏng hóc của phương tiện, sẽ tiến hành sửa chữa hoặc khắc phục để phương tiện cố gắng về bờ.

Theo Đại úy Đoàn Văn Phong, trong quý 1 vừa qua, đã có hơn 30 lượt phương tiện vào trung tâm sửa chữa, có trường hợp hỏng hóc đơn giản, có trường hợp phức tạp. Tất cả các trường hợp đều được sửa chữa, bảo đảm an toàn để ngư dân yên tâm bám biển.

Điểm tựa giúp ngư dân yên tâm bám biển

Tại đảo Trường Sa lớn, Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa thuộc Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân. Thiếu tá Trần Cộng Hòa, quyền Chỉ huy trưởng Trung tâm mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi bằng một kỷ niệm khó quên.

Tháng 9/2021, tàu cá Phú Yên số hiệu 9999 do anh Lê Ngọc Tín làm thuyền trưởng gặp nạn cách phía Đông Nam Trường Sa khoảng 10 hải lý. Sau khi anh Tín phát tín hiệu cấp cứu, tàu trực chỉ huy của đơn vị đã ra kéo về âu tàu Trường Sa để sửa chữa.

“Lúc này tàu bị ngập nửa khoang máy, vừa kéo về vừa hút nước ra để chống chìm. Rất may mắn chúng tôi phát hiện kịp thời, có phương án chống chìm và phương án khắc phục”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa nhớ lại.

Khi đưa vào âu tàu, các cán bộ kiểm tra và phát hiện tàu hỏng van thông đáy, nên nước cứ thế tràn vào, không đóng được. “Trên tàu không có thợ. Tàu chỉ có thuyền trưởng, một thợ máy và bạn ghe, nên không phát hiện được nguyên nhân. Khi đưa vào âu tàu, toàn bộ máy bị ngập nước. Sau một tuần liên tục, đội sửa chữa của chúng tôi đã khắc phục được tạm thời máy, trước niềm vui vỡ oà của thuyền trưởng và các thành viên trên tàu”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết.

xuong-co-khi1(1).jpg
Âu tàu trên đảo đá Tây A.

Theo Thiếu tá Trần Cộng Hòa, ngoài nhiệm vụ đón, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vào Bệnh xá đảo cấp cứu, Trung tâm còn giúp sửa chữa, cung cấp các dịch vụ như dầu, nhiên liệu theo giá đất liền; cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân. Ngoài ra, còn một số nhu yếu phẩm có thể hỗ trợ bà con bằng nguồn tự cấp như rau xanh, lương thực, thực phẩm.

“Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã đón hơn 1.000 lượt tàu cá, chủ yếu là phía Nam vào trú bão và sử dụng các dịch vụ. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, trung tâm đã tiếp nhận và sửa chữa thành công gần 30 tàu cá của các ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi…”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa chia sẻ.

Được ví như thủ đô của quần đảo Trường Sa, Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa được xây dựng cơ bản, hiện đại, có các xưởng, trạm, bể chứa nhiên liệu, nước ngọt, đặc biệt là các dãy nhà ở làng chài để hỗ trợ bà con ngư dân vào tránh bão; đội ngũ sửa chữa có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu sửa chữa của ngư dân.

Tương tự đảo Đá Tây A, Trung tâm Dịch vụ hậu cần – Kỹ thuật đảo Trường Sa cũng hỗ trợ toàn bộ nhân công khi sửa chữa, các vật tư thông thường. “Đối với nhân công và các vật tư thông thường, đơn vị chúng tôi sẽ hoàn toàn miễn phí. Riêng những vật tư đặc chủng, theo chủng loại quy định, chúng tôi sẽ đưa ra giá, thoả thuận với bà con, bà con đồng ý chúng tôi mới thay thế, hoặc sẽ đưa ra phương án tốt nhất để khắc phục tạm thời, để bà con không phải sử dụng cứu hộ hay tàu, ghe bạn đến cứu kéo đưa về đất liền, để bà con tối giản chi phí”, Thiếu tá Trần Cộng Hòa cho biết.

Quần đảo Trường Sa những ngày đầu tháng 6 sóng to, gió lớn. Trên các “múi biển”, hàng trăm tàu cá của ngư dân khắp mọi miền Tổ quốc đang khai thác hải sản. Giữa mênh mông biển trời, những “xưởng cơ khí 0 đồng” đã và đang phát huy tốt công năng hiện có. Đây là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế; góp phần khẳng định ngư trường và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Quốc Hải