Chính trị

Chưa quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư trong Luật

Nguyên Bình 19/06/2023 15:42

Cuối phiên Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ điều chỉnh các chính sách phát triển nhà ở nói chung, gồm phát triển các loại nhà ở, như: Nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, nhà ở tái định cư. Đối với nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng thì đã dẫn chiếu sang pháp luật về xây dựng, do đó, trên thực tế việc áp dụng sẽ không bị chồng lấn.

190620231158-z4444599218722_e11d83790d7ffcc3408401cba8bb0b8d.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu giải trình thêm một số nội dung về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về chính sách sở hữu nhà ở, một số ý kiến đề nghị phải có quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Trong đó đã có báo cáo cụ thể các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích các ưu điểm, hạn chế của từng phương án.

Trên cơ sở đó, tại Tờ trình số 68 trình Quốc hội, Chính phủ đã quyết định báo cáo UBTVQH lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tại thông báo kết luận của UBTVQH xác định, đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến UBTVQH là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.

Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội.

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một chương để quy định về chính sách cải tạo, xây dựng nhằm phá dỡ các chung cư hư hỏng nghiêm trọng, bảo vệ an toàn cho người và tài sản của cư dân tại các khu nhà này, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Liên quan đến quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng cho hay, do mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, do đó việc để UBND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật theo hướng, chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương, không quy định tỷ lệ thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc quy định dành quỹ đất 20% tại Luật Nhà ở hiện hành có nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn như đã trình bày tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật.

190620230846-z4443938799783_44e95e0e7b461e0f8da948f8aa133ad0.jpg

Về quản lý sử dụng nhà chung cư, đây là vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm. Do đó, dự thảo luật đã kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành để dành một chương quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư như quy định sở hữu chung, riêng, Hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị quản lý vận hành tòa nhà, kinh phí bảo trì...

Ngoài ra, dự thảo luật còn luật hóa một số quy định trong Nghị định số 99 năm 2015 để đảm bảo tính pháp lý cao và bổ sung thêm các nội dung mới phát sinh. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư để báo cáo cấp có thẩm quyền trình xin ý kiến Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự án luật, Bộ trưởng cho hay.

Nguyên Bình