Bài 3: Gỡ rối cho tự chủ bệnh viện, người trong cuộc lên tiếng
Nhiều bất cập trong quá trình thực hiện tự chủ tại các bệnh viện dẫn tới lúng túng trong quá trình thực hiện, triển khai và giải quyết vướng mắc. Khi cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc thì lộ ra loạt vấn đề, sai phạm. Trong khi nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày một cao thì các loại dịch vụ, chất lượng khám, chữa bệnh, trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc chưa đáp ứng kịp thời, các bệnh viện công tự chủ đã khó lại càng thêm khó.
Theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa có 3 bệnh viện tuyến tỉnh phải đảm bảo chi thường xuyên 100%, 31 bệnh viện phải đảm bảo chi thường xuyên từ 70% trở lên và 4 bệnh viện khu vực miền núi đặc biệt khó khăn đảm bảo chi thường xuyên từ 30 – 70%.
Việc phải tự chủ 1 phần hoặc toàn bộ nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rất ít bệnh nhân, trong khi các thủ tục rườm rà trong đấu thầu, đấu giá thuốc, vật tư, không thu hút nguồn nhân lực là các bác sỹ có tay nghề cao, giá điều chỉnh các loại dịch vụ khám, chữa bệnh chưa kịp thời dẫn tới các bệnh viện hút thu. Từ đó mất cân đối về thu chi, nợ các đơn vị cung ứng, cung cấp các loại dịch vụ, chế độ của cán bộ, y, bác sỹ.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghi Sơn Lê Kim Đức cho hay: “Đơn vị chúng tôi cũng như nhiều bệnh viện khác đang rất khó trong việc cân đối thu, chi. Các khoản thu thì cố định trong nhiều năm bởi giá các dịch vụ y tế đã rất lâu không điều chỉnh, giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ. Khi bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như dịch Covid-19 lượng bệnh nhân giảm hẳn lại càng làm cho nguồn thu hạn chế.
Trong khi đó mỗi năm Bệnh viện phải tăng thêm khoảng 5% chi phí chi lương tăng theo định kỳ cho cán bộ, nhân viên. Vào tháng 7 tới đây, lương cơ sở tăng thì chi phí tiền lương, bảo hiểm, phụ cấp… sẽ tăng thêm 20%. Nếu cấp trên không sớm có biện pháp tháo gỡ thì bệnh viện khó mà hạch toán, duy trì được hoạt động hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân".
Trao đổi với PV, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ (nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIV) cho biết: Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa có quy mô 1.200 giường bệnh, với 1.266 cán bộ, viên chức và người lao động; trong đó có hơn 500 cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên; 5 tiến sĩ, 30 bác sĩ chuyên khoa II, 50 bác sĩ chuyên khoa I, 64 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 93 bác sĩ đa khoa, 50 dược sĩ; gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều đưỡng; hơn 150 đại học điều dưỡng, kỹ thuật viên trong số 715 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 179 nhân viên các chuyên ngành khác được phân bố ở 43 khoa, phòng, bộ phận và 2 trung tâm.
Với chức năng là bệnh viện tuyến cuối của ngành, là trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa, chất lượng khám, chữa bệnh luôn được bệnh viện coi trọng. Bệnh viện đã không ngừng đổi mới cơ chế phục vụ, phát triển mạnh y tế chuyên sâu mục tiêu hướng tới là phục vụ theo nhu cầu người bệnh.
Đẩy mạnh thực hiện “Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; cải thiện hơn nữa tinh thần thái độ phục vụ người bệnh sau khi triển khai giá dịch vụ y tế mới”. Do đó phải đầu tư máy móc, thiết bị, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai, nhiều ca bệnh khó đã được cứu chữa thành công, qua đó đã gây được tiếng vang cho bệnh viện, mang lại niềm tin cho người bệnh.
Theo ông Sỹ, tự chủ bệnh viện là xu thế tất yếu. Tuy nhiên hiện nay chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và đặc thù cho bệnh viện tự chủ, chưa có quy định rõ ràng về Hội đồng quản lý, Đảng ủy, Ban Giám đốc dẫn tới lúng túng trong quá trình thực hiện. Từ đó dễ mắc phải những sai sót đáng tiếc.
Về tổ chức hoạt động phải phân quyền một cách rõ ràng và tăng cường kiểm tra, giám sát. Hiện nay chúng ta đang phân vân giữa Đảng ủy, Hội đồng Quản lý và Ban Giám đốc bệnh viện, Ban Kiểm soát. Nhưng như thế sẽ dễ dẫn đến chồng chéo và các quyết định hoạt động của bệnh viện phải đưa ra bàn thảo, kéo dài. Có khi là bế tắc không triển khai được.
Cũng theo ông Sỹ, mô hình Bí thư Đảng ủy là giám đốc là đúng tinh thần Đảng lãnh đạo toàn diện. Mà giám đốc phải là người có chuyên môn về y tế, nghĩa là bác sỹ thì mới hiểu tường tận các vấn đề về khám, chữa bệnh, tâm tư nguyện vọng của y, bác sỹ, sự cần thiết của mua sắm thiết bị, vật tư, thuốc. Trong Ban giám đốc thì 1 phó giám đốc phải có chuyên môn về quản lý, tài chính kế toán để hạch toán chi tiết, rõ ràng các khoản thu, chi, lập kế hoạch cho các năm tiếp theo.
Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực để tự quyết định về chỉ tiêu kế hoạch, tự quyết định về phát triển các chuyên ngành mũi nhọn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm phát huy được nguồn lực hiện có.
Cái khó nhất hiện nay vẫn là giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay Bộ Y tế chưa ban hành khung giá này, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc vay vốn, huy động vốn nên các đơn vị không dám thực hiện.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân thì cần phải đầu tư mua sắm quản lý tài sản. Hiện nay cơ chế mua sắm và đầu tư, đấu thầu các trang thiết bị đều đang vướng nhiều quy định của luật. Dẫn tới mỗi khâu, cung đoạn phải chờ, từ bệnh viện tới Sở Y tế, UBND tỉnh hay đấu thầu quốc gia. Không có máy móc, thiết bị, vật tư thì các bác sỹ có muốn thực hiện các dịch vụ cũng phải bó tay. Đấy là chưa kể cơ chế thu hút nhân tài còn có bất cập bởi việc tiếp nhận, tuyển dụng phải báo cáo vòng vèo, mức đãi ngộ thấp.
Nguồn thu hạn chế nhưng chi phí mỗi năm một tăng lên do cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị ngày một xuống cấp cần bảo trì, bảo dưỡng, thay thế. Quỹ lương, bảo hiểm, trực, thưởng… đều tăng lên hàng năm. Vào 1/7/2023 khi lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng thì chi phí của các đơn vị bệnh viện sẽ tiếp tục tăng. Áp lực ngày một lớn cho các bệnh viện chuyển sang cơ chế tự chủ mà cần được cấp trên và các cơ quan hữu quan nhanh chóng tháo gỡ.