Sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, những năm qua TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã triển khai có hiệu quả về phát triển ngành kinh tế thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay thế vật liệu nổi trong sử dụng nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND TP Móng Cái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch, định hướng phát triển bền vững ngành thủy sản; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Công tác quản lý đất, mặt nước biển nuôi trồng thủy sản (NTTS) từng bước đi vào nền nếp; việc rà soát hoạt động NTTS được chỉ đạo thực hiện thường xuyên; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên biển ngày càng hiệu quả.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế thuỷ sản
Kinh tế thủy sản nói chung và lĩnh vực NTTS nói riêng tại TP Móng Cái trong những năm qua nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp chính quyền về đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển NTTS. Mặt khác, một số đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao được du nhập, nguồn lực lao động dồi dào, có nhiều kinh nghiệm đã giúp ngành NTTS nước mặn, nước lợ ngày càng phát triển.
Theo đó, tổng sản lượng nuôi trồng tại Móng Cái tăng hàng năm, đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu một số loại sản phẩm thủy sản; huy động các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tập trung; công tác quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh thủy sản tổ chức thực hiện có hiệu quả kịp thời. Công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, kinh doanh vật tư, thuốc thú y phục vụ cho ngành thủy sản được tăng cường thường xuyên.
Nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Móng Cái chủ yếu gồm 3 hình thức nuôi chính: (1) Nuôi trong ao, đầm: Nuôi thâm canh và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại các cơ sở nuôi thuộc các xã, phường: Bình Ngọc, Hải Hòa, Hải Xuân, Ninh Dương, Vạn Ninh, Hải Yên, Hải Đông, Hải Tiến, Quảng Nghĩa; (2) Nuôi bãi triều: Nuôi các loài nhuyễn thể như Ngao hoa (hến hoa), Hai cùi, Tu hài... tại khu vực bãi triều thôn Nam, xã Vạn Ninh; (3) Nuôi biển, hình thức nuôi bằng lồng, bè trên biển để nuôi hàu và các loại cá biển tại khu vực các xã, phường: Trà Cổ, Hải Hòa, Hải Tiến, Vạn Ninh.
Thời gian qua, Móng Cái tích cực xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển hạ tầng nuôi trồng thủy sản TP Móng Cái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề ra mục tiêu và các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có 02 sản phẩm chủ lực đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là “Tôm thẻ chân trắng Móng Cái”, “Ghẹ Trà Cổ”.
Bên cạnh đó, Móng Cái cũng xác định việc đẩy mạnh phát triển ngành NTTS, đặc biệt là hình thành hệ thống hạ tầng môi trường thủy sản đồng bộ, hiện đại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để thực hiện; đổi mới tư duy, phương thức thực hiện nhằm tạo bước đột phá mới, phát triển ngành thủy sản thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.
Ngoài ra, Móng Cái đã tạo mọi điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành thủy sản của Trung ương, tỉnh đã ban hành: Chính sách hỗ trợ đầu tư cho sản xuất giống, chế biến thủy sản, NTTS biển đạt tiêu chuẩn VietGap; phát triển thương mại sản phẩm theo hướng hỗ trợ sau đầu tư; Chính sách hồ trợ hình thành, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Sử dụng vật liệu nổi thân thiện với môi trường theo quy chuẩn
Thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn tại tỉnh Quảng Ninh. UBND TP Móng Cái đã tổ chức làm việc với 100% các hộ dân NTTS trên biển có sử dụng phao xốp (năm 2022) và ban hành các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường tuyên truyền Quy chuẩn địa phương, thông tin về các đơn vị cung ứng vật liệu nổi đạt quy chuẩn theo thông báo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Theo đó, các hộ NTTS trên biển đã nắm bắt được các thông tin chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn về nội dung chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa đạt quy chuẩn địa phương.
Tính đến ngày 22/5/2023, kết quả thực hiện thay thế phao nổi bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường: Tổng số lượng phao cần chuyển đổi: 48.079 quả; Số lượng phao đã chuyển đổi: 8.799 qủa; Tỷ lệ thay thế phao nổi bằng các vật liệu bền vững, thân thiện môi trường đạt 18,3 %.
Các hộ dân đã tiến hành làm việc với đơn vị cung cấp phao nhựa HDPE (Công ty TNHH Thương mại XNK Vĩ Tuyến) để đặt mua 1.200 quả phao nhựa và đang chờ Công ty cung cấp để thay thế, lắp đặt.
Hiện nay, tiến độ thay thế phao xốp sang phao nhựa đạt quy chuẩn trên địa bàn thành phố còn chưa cao, chưa đạt kế hoạch đề ra do chi phí thay thế vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương lớn, trong khi chất liệu sản phẩm của các đơn vị cung cấp chưa đạt được như kỳ vọng của người dân nên các hộ dân còn e ngại trong quá trình thay thế.
Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong NTTS trên biển trong thời gian tới, TP Móng Cái tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường phối hợp với các đơn vị cung cấp vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương đã được công bố hợp quy để lắp đặt nhưng mô hình thử nghiệm tại các khu vực quy hoạch NTTS trên biển trên địa bàn thành phố để đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng và thông tin cho các cơ sở NTTS trên biển biết, liên hệ thay thế. Dự kiến hoàn thành kế hoạch thay thế chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong năm 2023
Thời gian qua, công tác tuyên truyền các quy định của nhà nước về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được thực hiện bằng nhiều hình thức đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi thân thiện với môi trường, phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật địa phương; tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ lực của địa phương như Tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá song, cá chim... góp phần nâng cao thu nhập của người dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Có thể thấy, sự đổi mới trong tư duy sản xuất của người dân nuôi biển, cơ bản các vùng nuôi biển tập trung đã và đang phát huy được lợi thế diện tích mặt nước, bãi triều, sản lượng, năng suất nuôi liên tục tăng cao. Hoạt đồng tuần tra, xử vi phạm được tăng cường, chính quyền địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công tác di dời, giải tỏa, xử lý các cơ sở NTTS trái phép, không đúng quy hoạch, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy.