Vấn đề quan tâm

Lan tỏa những mô hình tích cực giúp giảm tệ nạn ma túy

Đ. Việt 15/06/2023 - 11:00

Để chung tay chủ động phòng ngừa mua bán, sử dụng trái phép ma túy, thời gian qua, nhiều địa phương đã tạo lập “lá chắn” cấp xã sạch ma túy, triển khai nhiều mô hình với phương châm “chặn cung, giảm cầu”, quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ người nghiện ma túy tại cộng đồng. Các mô hình này, không những giúp xóa bỏ nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy mà còn giảm tỷ lệ tái nghiện, tạo cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng sau cai nghiện.

Xã, phường sạch về ma túy

Quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng “Xã, phường sạch về ma túy” phải lấy phòng ngừa là chính, làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân; kết hợp triển khai quyết liệt việc “chặn cung, giảm cầu”, nhiều địa phương đã tạo lập “lá chắn” cấp xã sạch ma túy.

Tại Nghệ An, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng "Xã biên giới sạch về ma túy", đến nay Công an tỉnh Nghệ An đã cơ bản hoàn thành mục tiêu “sạch người nghiện” tại 26/27 xã biên giới, được lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng toàn quốc.

Hiện nay, Đề án đã lan tỏa và được nhân rộng tại 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh với 171 xã đăng ký xây dựng “sạch ma túy”. Thị xã Hoàng Mai là một trong 8 địa phương đăng ký xây dựng “Huyện sạch về ma túy" ngay trong năm 2023.

ma-tuy-6.jpg
Mô hình "Xã sạch về ma túy" được nhân rộng giúp xóa bỏ nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy

Với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cơ sở, nòng cốt là lực lượng Công an, từ ngày 23/2 đến ngày 14/3/2023, lần lượt 10/10 xã, phường của thị xã Hoàng Mai đã ra mắt mô hình xây dựng “Xã, phường sạch về ma túy”.

Cùng với đó, Công an thị xã Hoàng Mai còn triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn toàn thị xã. Thực hiện tốt công tác lập hồ sơ quản lý và có biện pháp cai nghiện hiệu quả, phù hợp cho các đối tượng nghiện.

Mô hình “Xã sạch ma túy” cũng được xã Xiêng My, huyện Tương Dương, Nghệ An áp dụng hiệu quả. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế, đi lại còn nhiều khó khăn, tội phạm ma túy vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là việc các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh, địa hình hiểm trở, móc nối với các đối tượng để tổ chức mua bán, vận chuyển ma túy.

Trước tình hình đó, để thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng “Xã sạch về ma túy” trên địa bàn, Công an xã đã tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình “Xã sạch về ma túy” tại Xiêng My nhằm bảo đảm tốt an ninh trật tự, ngăn chặn tối đa tội phạm, tệ nạn ma túy xâm nhập vào cộng đồng dân cư, tạo “lá chắn” vững chắc, thiết lập “vùng xanh” đóng góp quan trọng trong thực hiện mục tiêu chiến lược đưa huyện Tương Dương ra khỏi diện địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy của tỉnh Nghệ An.

Giảm cầu để cắt cung

Cùng với việc đấu tranh, bóc gỡ các đường dây, ổ nhóm ma túy, với phương châm “giảm cầu để cắt cung”, lực lượng Công an các địa phương đã tích cực phối hợp với chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn để xây dựng và nhân rộng các mô hình trong công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện, góp phần hạn chế tình trạng gia tăng người sử dụng và nghiện ma túy trong cộng đồng.

Như tại Đồng Tháp, vào cuối năm 2018, tỉnh đã lựa chọn 3 xã: Mỹ Tân (TP. Cao Lãnh), Tân Khánh Đông (TP. Sa Đéc) và xã An Bình A (nay là phường An Bình A, TP. Hồng Ngự) để thực hiện thí điểm mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”.

Để triển khai mô hình này, lực lượng Công an đã tiến hành rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác số người nghiện ma túy trên địa bàn để tham mưu UBND cấp xã ban hành Kế hoạch thực hiện.

ma-tuy3.jpg
Mô hình "Khu dân cư, cơ quan giáp ranh an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm ma túy" mang lại nhiều hiệu quả tích cực

Từ đó, thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy; Tổ công tác quản lý, giáo dục người nghiện ma túy; Tổ thanh niên tình nguyện tuần tra giữ gìn an ninh trật tư trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, Công an xã chủ trì phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội được phân công tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng để nắm bắt tâm tư, tình cảm hoặc thông qua sinh hoạt các Tổ, Câu lạc bộ của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để tiếp xúc, tuyên truyền đối với người nghiện ma túy về hậu quả, tác hại của ma tuý và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma tuý.

Sau 1 năm thí điểm, đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại hầu hết các xã,phường, thị trấn trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ người nghiện ma túy được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, góp phần phòng ngừa nguy cơ tái phạm tội.

Nhằm đưa công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy về cơ sở, Công an TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đã triển khai mô hình "Khu dân cư, cơ quan giáp ranh an toàn về an ninh trật tự và phòng, chống tội phạm ma túy" tại phường Quỳnh Lâm và phường Đồng Tiến.

Với phương châm "gõ từng nhà, rà từng người nghiện", công an các xã, phường thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục, cảm hóa trên hàng trăm lượt người nghiện ma tuý, lập hồ sơ quản lý giáo dục tại xã, phường, hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc... Cùng với đó, Công an TP. Hòa Bình đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và Công an 2 phường Quỳnh Lâm, Đồng Tiến phát hiện, bắt xử lý nhiều vụ việc mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Duy trì mô hình quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú

Mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy được triển khai từ năm 2019, thí điểm tại 8 quận và 20 phường của Hà Nội và Đà Nẵng. Trong suốt 3 năm, mô hình đã tiếp nhận 973 người tham gia, trong đó Hà Nội có 690 người, Đà Nẵng có 283 người.

ma-tuy5.jpg
Khám sức khỏe cho người cai nghiện ma túy

Riêng tại Hà Nội, kế hoạch của UBND thành phố về triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn năm 2023 xác định sẽ duy trì mô hình quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú.

Theo đó, 100% người hoàn thành các chương trình cai nghiện ma túy trở về địa phương được lập hồ sơ, đưa vào danh sách quản lý sau cai nghiện ma túy; phân công các tổ chức, cá nhân quản lý, giúp đỡ quản lý sau cai nghiện ma túy và theo dõi, đánh giá tỷ lệ tái sử dụng trái phép chất ma túy, tái nghiện ma túy.

TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trên 80% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn Thành phố được tiếp cận các dịch vụ: tư vấn, biện pháp can thiệp giảm hại, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

100% các quận, huyện, thị xã công bố danh sách các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn việc đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, đảm bảo tất cả những người được xác định là người nghiện ma túy đã đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện đều được tham gia điều trị, cai nghiện đúng quy định.

Các cơ sở cai nghiện ma túy tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan vận động 960 người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện. Các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập cung cấp dịch vụ cai nghiện cắt cơn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ xã hội cho 1.000 người tự nguyện đăng ký tham gia điều trị.

Các địa phương hỗ trợ vay vốn, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm với các hình thức phù hợp cho 250 người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các cơ sở cai nghiện ma túy công lập của Thành phố tổ chức dạy nghề cho 700 người cai nghiện bắt buộc.

Duy trì hoạt động mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại 278 xã, phường, thị trấn đã triển khai năm 2021, 2022; phát triển mới các mô hình năm 2023 tại 103 xã, phường, thị trấn đảm bảo chỉ tiêu tiến độ theo lộ trình…

Tháng hành động phòng, chống ma túy (PCMT) từ ngày 1 - 30/6/2023 với chủ đề “PCMT quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy”.

Mục tiêu của Tháng hành động phòng, chống ma túy nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia PCMT; hướng tới xây dựng một cộng đồng sạch ma túy.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo nên một chiến dịch truyền thông PCMT trên phạm vi toàn quốc; tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai; góp phần giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Việc triển khai Tháng hành động PCMT phải được tiến hành đồng bộ, bảo đảm hiệu quả thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tế.

Đ. Việt