Doanh nghiệp - Doanh nhân

SSI: GDP nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất

Trang Nhi 15/06/2023 - 09:11

SSI Research dự báo tăng trưởng GDP năm nay sẽ nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất (4,5%-5%).

Trong báo cáo vừa công bố, SSI Research cho hay các biến số vĩ mô đã ổn định hơn trong tháng 5, nhưng vẫn chưa xuất hiện tín hiệu phục hồi rõ ràng và chu kỳ kinh tế của Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn giảm tốc.

gdp-viet-nam.jpg

Với mục tiêu hạ nhiệt mặt bằng lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm, trong bối cảnh lạm phát vẫn đang được kiểm soát khá tốt, các giải pháp về tiền tệ và tài khóa tiếp tục được triển khai trong tháng 5, tuy nhiên thực tế vẫn cần thêm thời gian và sự cải thiện về mặt đầu ra để có thể tác động trực tiếp đến nền kinh tế.

Các chuyên gia tại đây cũng đề cập đến tín hiệu kém tích cực hơn đến từ việc nhập khẩu, khi giảm -18,3% so với cùng kỳ trong tháng 5 hay -17,7% trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, chiếm đa số là nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm tới -18,2%, và là yếu tố cho thấy triển vọng tăng trưởng cho xuất khẩu vào quý III -  quý cao điểm về hoạt động xuất khẩu là không quá tích cực.

Ngoài ra, tiêu dùng trong nước hạn chế cũng khiến cho nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tiêu dùng, dữ liệu ước tính từ Tổng cục Thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,5% so với cùng kỳ trong tháng 5, cho thấy tốc độ tăng trưởng đang giảm dần (tháng 4: 11,7%).

Tính chung 5 tháng, doanh thu bán lẻ danh nghĩa và thực tế lần lượt tăng 12,6% và 8.3% so với cùng kì. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát cũng đè nặng lên tiêu dùng trong nước khi số liệu về tiêu dùng vẫn thấp hơn so với xu hướng tăng trưởng thông thường trước COVID-19.

Trong đó, doanh thu từ nhóm dịch vụ liên quan đến du lịch lữ hành chỉ tăng 2,3% so  với tháng trước hay 40,3% so với cùng kỳ (tháng 4 tăng 87%) cho thấy trái với kỳ vọng, doanh thu du lịch từ kỳ nghỉ lễ dài vừa qua có kết quả không quá khả quan và phản ánh sự thắt chặt trong chi tiêu của người dân. Số lượng khách quốc tế tới Việt Nam cũng chưa có sự bứt phá trong tháng 5, khi chỉ tăng thêm 916.000 người (tháng 4: 986.000 người).

SSI đánh giá sự hồi phục của khách quốc tế tới Việt Nam là tương đối chậm, một phần do chính sách thị thực vẫn còn khá khó khăn. Chính phủ hiện đã đề xuất điều chỉnh chính sách thị thực điện tử theo hướng nới lỏng hơn và chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành du lịch trong nửa cuối năm nay.  

Về lạm phát, mặt bằng lạm phát đã tạm thời ổn định trong thời gian qua và là yếu tố giúp NHNN chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tiền tệ nhằm hạ nhiệt mặt bằng lãi suất. Nhu cầu tiêu dùng suy yếu cũng khiến cho lạm phát khó có sự bứt phá, tuy nhiên việc lạm phát cơ bản duy trì ở mức cao và tốc độ giảm tương đối chậm là yếu tố cần phải đáng cân nhắc để NHNN có thể đưa ra chính sách tiền tệ phù hợp trong nửa cuối năm nay.  

Theo SSI,  với số liệu vĩ mô chưa có sự cải thiện đáng kể trong tháng 4 và tháng 5, nhu cầu yếu vẫn tiếp diễn và gây áp lực lên cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, yếu tố tác động tích cực có thể đến từ các biện pháp hỗ trợ bổ sung từ Chính phủ hay doanh thu du lịch tốt hơn ước tính nhờ việc nới lỏng các quy định về thị thực sẽ giúp cho tốc độ giảm tốc đối với tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào hạn chế và chúng tôi cho rằng phải đợi sang nửa cuối năm 2023 mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Với năm 2023, SSI dự báo tăng trưởng GDP sẽ nghiêng về kịch bản kém lạc quan nhất (4,5%-5%).   

Trang Nhi