Giáo dục

Hội thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012

Kiều My 15/06/2023 - 09:07

Ngày 14/6, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề “40 năm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 10 năm Luật Biển Việt Nam năm 2012 – Vai trò, thách thức và hoàn thiện”.

Hội thảo đón nhận sự tham gia của đông đảo các chuyên gia với mục tiêu cùng nhìn lại và đánh giá về quá trình 40 năm hình thành và thực thi UNCLOS, góp phần khắc phục những hạn chế sau 10 năm chính thức áp dụng Luật biển Việt Nam và từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực biển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định vai trò chiến lược của các vấn đề liên quan đến chủ quyền cũng như quyền tài phán trên Biển Đông đối với Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Theo đó, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm bày tỏ mong muốn thông qua buổi trao đổi và thảo luận, Hội thảo sẽ chỉ ra được những vấn đề bất cập trong hệ thống pháp lý về biển và qua đó đúc kết, đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh.

01.-pgs.ts.-vu-van-nhiem-chu-tich-hoi-dong-truong-phat-bieu-khai-mac-hoi-thao.png
PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trong phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Vai trò và triển vọng cho hợp tác quốc tế”, 4 bài tham luận đã được trình bày gồm: “Ba thành tựu vĩ đại của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982” - PGS.TS. Ngô Hữu Phước; “UNCLOS 1982: Vấn đề bảo vệ môi trường biển và những tác động đối với Việt Nam” - TS.GVC Hoàng Ly Anh; “Các cơ chế tài phán giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển 1982 và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về vấn đề Biển Đông” - ThS. GVC Nguyễn Thị Yên; ThS. Lê Hồ Trung Hiếu; “Giải thích Điều 121 của Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông và một số gợi ý cho Việt Nam” - ThS. Hoàng Việt. Các tham luận trong phiên đầu tiên được đánh giá đã mang đến một góc nhìn tổng quát, đồng thời nêu bật được vị thế và tầm quan trọng của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) không chỉ trong phát triển kinh tế, vận tải và hàng hải quốc tế mà còn có vị trí chiến lược về an ninh – quốc phòng đối với các quốc gia.

Đi sâu vào nghiên cứu chủ đề “Bảo vệ chủ quyền và tầm nhìn cho tương lai” của phiên thứ hai, các diễn giả đã khai thác nhiều khía cạnh khác đối với chủ đề này.

1-toan-canh-hoi-thao.png
Toàn cảnh Hội thảo.

ThS. Trần Thị Kim Nguyên - Trường ĐH Mở TP.HCM khẳng định vai trò trung tâm của Luật Biển Việt Nam 2012 cũng như đánh giá khách quan về một số thành tựu và hạn chế nhất định trong thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; PGS.TS. Lưu Văn Quyết - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn lựa chọn khai thác các vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa nhìn từ cuộc cạnh tranh giữa Pháp - Trung Quốc - Nhật Bản; ThS. Lê Đức Phương, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. HCM qua tham luận của mình đã chỉ ra có một số quy định tại Luật Biển Việt Nam 2012 chưa hoàn toàn tương thích với UNCLOS; ThS. Hà Thị Hạnh, Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP. HCM nhận định, Việt Nam cần ban hành quy định liên quan đến đường cơ sở thẳng và yêu sách chủ quyền với các “vùng nước lịch sử”.

05.-buoi-hoi-thao-da-mang-lai-nhieu-gia-tri-kinh-nghiem-cho-thuc-tien-giai-quyet-tranh-chap-bien-viet-nam.png
Buổi hội thảo đã mang lại nhiều giá trị kinh nghiệm cho thực tiễn giải quyết tranh chấp biển Việt Nam.

Hội thảo Khoa học với chủ đề “40 năm Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 và 10 năm Luật Biển Việt Nam năm 2012 – Vai trò, thách thức và hoàn thiện” là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực pháp luật biển có cơ hội trao đổi, chia sẻ, đánh giá về các chế định chuyên ngành. Đây là nền tảng hoàn thiện và thúc đẩy việc thực thi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, Luật Biển tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo luật tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Kiều My