Hải trình Trường Sa - Bài 1: Ấn tượng đầu tiên
“Tôi đã chuẩn bị tốt, nhưng anh em còn chuẩn bị tốt hơn. Từ cái khăn mặt, tăm bông…” – chia sẻ của Đại tá Lê Thành Nam, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Quân khu 2, cũng là cảm nhận chung của các thành viên Đoàn công tác số 16 khi nói về công tác hậu cần trên Tàu KN390.
“Tôi đã chuẩn bị tốt, nhưng anh em còn chuẩn bị tốt hơn. Từ cái khăn mặt, tăm bông…” – chia sẻ của Đại tá Lê Thành Nam, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Quân khu 2, cũng là cảm nhận chung của các thành viên Đoàn công tác số 16 khi nói về công tác hậu cần trên Tàu KN390.
Khánh Hoà một sớm cuối tháng 5 lịch sử, xe của Quân chủng Hải quân đón chúng tôi từ nhà khách tới Cảng Quốc tế Cam Ranh để bắt đầu hải trình vượt hơn 1.200 hải lý (2.200km) đến với Trường Sa thân yêu – quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đối với mỗi người Việt Nam, có lẽ ai cũng mong muốn đến Trường Sa một lần trong đời, cả tôi cũng vậy. Ngày nhận thông báo đi công tác Trường Sa, trái tim tôi dâng lên sự háo hức cùng niềm vinh dự, tự hào. Tôi đã dành rất nhiều thời gian tìm đọc sách báo, những tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa – nơi dấu chân ông cha ta đã in trên các vạt đá san hô và có lúc máu đã thấm đỏ nước Biển Đông.
Hành trang cho chuyến đi gần 10 ngày trên biển cũng được tôi chuẩn bị rất kỹ, chu đáo hơn nhiều so với các chuyến công tác trên đất liền. Đó là một chiếc vali ngoại cỡ đầy ắp đồ dùng cá nhân nặng hơn 20kg và một chiếc balo đựng các trang thiết bị tác nghiệp nặng gần 10kg.
Tối hôm trước và cả khi lên xe ô tô ra cảng, trong đầu tôi vẫn còn lo lắng. Lo lắng không phải ngại khó, ngại khổ, mà lo làm thế nào để chuyển vali và balo xuống boong tàu thật nhanh, ổn định chỗ ở còn tác nghiệp.
Xe tới cảng. Tôi xuống một cách nhanh nhất có thể để lấy đồ đưa vào phòng. Trước sườn xe ô tô, một cán bộ Hải quân xuất hiện nhẹ nhàng hỏi: “Các đại biểu ở phòng nào anh em sẽ vận chuyển hành lý xuống giúp?”.
Hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân và lực lượng Kiểm ngư cũng đã túc trực, sẵn sàng vận chuyển đồ giúp các đại biểu đoàn công tác. Các cán bộ, chiến sĩ hỏi số phòng của từng thành viên đoàn, rồi thoăn thoắt lấy băng dính dán vào hành lý, phân ra từng phòng một cách cẩn thận để việc vận chuyển không nhầm lẫn, thất lạc.
“Đồng chí ở phòng nào?”, một Thiếu tá Hải quân hỏi tôi.
“Em ở phòng 205”, tôi đáp.
Một miếng băng dính liền được dán vào hành lý, rồi đồng chí lấy bút dạ ghi số 205 để các cán bộ khác chuyển xuống tàu. Chỉ ít phút sau, balo và vali hành lý nặng tổng hơn 30kg của tôi đã được vận chuyển xuống phòng 205 một cách cẩn thận. Tôi thở phào nhẹ nhõm, chợt thấy những lo lắng của mình thật thừa thãi.
“Thừa” không chỉ bởi sự nhiệt tình, niềm nở của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam, các cán bộ của lực lượng Kiểm ngư, mà còn “thừa” bởi công tác hậu cần cũng được chuẩn bị rất chu đáo. Đại tá Lê Thành Nam, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Quân khu 2, người nhiều năm trong quân ngũ với hàng trăm chuyến công tác, cũng phải thừa nhận rằng bản thân đã chuẩn bị hành trang rất tốt, nhưng các đồng chí của mình còn chuẩn bị tốt hơn…
Khi xuống tàu, trên giường mỗi thành viên đoàn là một chiếc mũ cối, một túi đồ dùng cá nhân gồm khăn mặt, bàn chải, dầu gội, dao cạo râu, tăm bông, một chiếc túi chống ướt… Dưới nền tàu là dép rọ, nước súc miệng; khu vực vệ sinh có cả bột giặt, chậu nhựa.
Tình cảm, sự chu đáo, trách nhiệm của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam và lực lượng Kiểm ngư được các thành viên Đoàn công tác số 16 cũng như Đại tá Lê Thành Nam, nguyên Chánh án Toà án Quân sự Quân khu 2 ghi nhận ngay từ trước khi bước lên tàu. “Khi đi tôi chuẩn bị hành trang tương đối chu đáo, nhưng lên tàu thấy anh em còn chuẩn bị tốt hơn. Từ khi đón tiếp đến khi lên tàu, mặc dù mới là ngày đầu tiên, nhưng cả hành trình này chắc sẽ chu đáo như thế, có khi còn chu đáo hơn. Cảm nhận đấy không phải mình tôi, tất cả mọi người đều thấy. Tôi rất yên tâm, rất hy vọng và cũng là niềm tin của tất cả mọi người về đồng đội của mình”, Đại tá Lê Thành Nam xúc động chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Sơn, Phó trưởng đoàn Công tác Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam cũng đã thốt lên 3 từ “rất tuyệt vời” khi được hỏi về công tác hậu cần trên tàu. “Phải nói công tác hậu cần rất tuyệt vời, quan tâm tới anh em từng li từng tí, từ chỗ ăn, chỗ ngủ... Không còn điều gì cảm kích hơn nữa”, anh Sơn nói.
Sau lễ tiễn đoàn, Tàu Kiểm ngư mang số hiệu KN-390 đưa gần 300 thành viên Đoàn công tác số 16 đến thăm quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) và Nhà giàn DK1 kéo 3 hồi còi dài chào đất liền. Con tàu dài 90,5m, chiều rộng 14m, chiều cao mạn 7m, lượng giãn nước lên đến 2.500 tấn như chú cá voi khổng lồ rẽ sóng từ từ rời cảng mang tình cảm từ đất liền đến với đảo xa.
Giữa trùng khơi đầy nắng và gió, chúng tôi – những người con đất liền may mắn có cơ hội đến thăm biên cương biển đảo của Tổ quốc, ai nấy đều mang những xúc cảm riêng, nhưng đọng chung lại vẫn là niềm vinh dự, tự hào, háo hức, sự bồi hồi, pha chút hồi hộp, và âu lo khi thấy mình thực sự rời đất liền, hòa vào biển trời mênh mông.
Sau chừng 2 tiếng đồng hồ đầu tiên của hải trình, các cán bộ, chiến sĩ phục vụ trên tàu gõ cửa từng phòng để hỏi thăm sức khỏe các thành viên. Do chưa quen cảm giác bềnh bồng trên sóng biển, nên những cơn say sóng nặng nhẹ đã bắt đầu đến với từng người trong đoàn. Không ít người vì mệt không thể lên boong dùng bữa, cán bộ chiến sĩ trên tàu đã chuẩn bị cơm với muối vừng mang tới từng phòng để phục vụ.
Khi màn đêm buông xuống, mọi người chìm trong giấc ngủ, những người chiến sĩ, cán bộ trên tàu lại thay nhau luân phiên gác trực để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác, cho chuyến đi.
Đối với công tác hậu cần, ngày làm việc của các cán bộ, chiến sĩ bắt đầu từ rất sớm, khi con tàu vẫn chìm trong giấc ngủ, chỉ có tiếng máy tàu, tiếng sóng vỗ mạn thuyền như lời ru bồng bềnh của biển. Và đây cũng là bộ phận kết thúc công việc muộn nhất trên tàu, khoảng 10 giờ tối.
3 giờ sáng, trong phòng bếp rộng khoảng hơn 20m2 rộn rã tiếng cười nói, xen lẫn sự khẩn trương, trách nhiệm của những người vẫn được chúng tôi gọi với cái tên rất thân thương: Anh nuôi. Mỗi người đảm đương một phần việc, người nhặt rau, người đun nước, luộc gà, hay pha trà, bày biện bát đĩa… để chuẩn bị bữa sáng cho gần 300 thành viên.
Với số lượng lớn suất ăn như vậy, trên đất liền đã vất vả, khó khăn, trên tàu với điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, chông chênh, đặc biệt là khi sóng lớn, công tác chuẩn bị lại càng khó khăn, vất vả hơn. Cảm nhận điều đó, chị Nguyễn Thu Hà, Phó phòng Hành chính và Truyền thông, Báo Lao động Xã hội cũng dậy từ 3 giờ sáng để vào bếp, chung tay giúp đỡ về mặt tinh thần cho anh em.
Cùng nhặt rau với cán bộ, chiến sĩ tổ hậu cần, chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa. Không phải ai muốn đi cũng được, nên chuyến đi này với cá nhân tôi hay tất cả mọi người đều rất quý, rất vui”. Chị Hà cho biết, trước khi đi đã tìm hiểu từ các đồng nghiệp đi trước và biết được bộ phận “anh nuôi” trên tàu rất vất vả, nên muốn góp phần nhỏ bé nào đó để giúp đỡ tinh thần anh em. Và trên suốt hải trình ấy, hàng ngày không chỉ có chị Hà, mà còn nhiều thành viên khác cùng vào bếp chung tay san sẻ khó khăn, vất vả với các “anh nuôi”.
Để chuẩn bị công tác hậu cần cho chuyến đi này, Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân, Quân chủng Hải quân nói chung và Tàu KN390 nói riêng đã lên kế hoạch trước ngày đi khoảng một tháng. Trung tá Vũ Đình Nhất, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung Đoàn 351, Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân không giấu được niềm vinh dự, sự tự hào khi khoác trên mình bộ quân phục Hải quân, tự hào khi được phục vụ các đoàn công tác tới thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa.
Với Trung tá Vũ Đình Nhất và các cán bộ, chiến sĩ trên tàu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoàn công tác, cho các thành viên đoàn, để mỗi người bảo đảm sức khoẻ trong suốt hải trình không chỉ là nhiệm vụ được giao, mà còn xuất phát từ mệnh lệnh trái tim người lính biển. Trung tá Vũ đình Nhất cho biết, đoàn công tác có bao nhiêu người, chúng tôi sẽ lên danh sách, chuẩn bị suất ăn bảo đảm chất lượng cao nhất trong chuyến đi. Từ 3 giờ sáng, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã đun nước, pha trà, để khi thức dậy các thành viên đoàn công tác đã có nước để uống. Tổ nấu ăn cũng thức dậy từ 3 giờ để chuẩn bị bữa sáng cho mọi người, bảo đảm tới 5 giờ là xong.
Trung tá Vũ Đình Nhất cho biết thêm, tất cả những bữa ăn đều được lưu nghiệm, kiểm tra trước khi ăn uống nhằm bảo bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho các thành viên đoàn.
Xuyên suốt 7 ngày với hải trình 1.200 hải lý (khoảng 2.200km), công tác hậu cần trên tàu được các thành viên đoàn công tác đánh giá rất chu đáo, đồ ăn phong phú, bảo đảm an toàn tuyệt tối. “Qua 7 ngày, thấy cán bộ, chiến sĩ trên Tàu 390 có sự chuẩn bị rất chu đáo, kế hoạch rõ ràng. Đặc biệt, trong mỗi bữa ăn đều bảo đảm thức ăn đầy đủ, thay đổi theo khẩu vị, không bữa nào trùng bữa nào”, Chánh án TAND quận 10, TP. Hồ Chí Minh Cao Thanh Hùng chia sẻ.
Qua chuyến đi này, các đại biểu cũng thấu hiểu thêm phần nào sự vất vả, gian của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Nhiên nhiều lần xúc động, nghẹn lại khi nói về những khoảnh khắc trong chuyến đi. “Chiến sĩ trên Tàu KN390 hết sức chu đáo, nhiệt tình, trách nhiệm, cởi mở, chúng tôi rất khâm phục việc các thuỷ thủ trên tàu phục vụ trong thời gian vừa qua. Qua chuyến đi, tôi thấy đất nước mình rất rộng và đẹp. Tôi cũng thấu hiểu thêm sự vất vả, gian lao của các chiến sĩ Hải quân và QĐND Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển trời, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc”, Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang nói.
Nội dung: Hoàng Hải
Thiết kế: Mai Đỉnh