Báo động tình trạng những người "chạy trốn" cùng vi rút HIV

Đời sống - Ngày đăng : 04:30, 01/12/2014

Chúng ta đang lấy những con số để báo cáo thành tích trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, con số đó đã thực sự chính xác hay chỉ là những con số ảo? Đặc biệt, hỏi về vấn nạn "mất dấu" người nhiễm H thì vẫn có chuyện trên bảo không, dưới nói có.

"Có nhưng...ít"

Là một tỉnh miền núi, nhưng Hòa Bình có số ca nhiễm H vào loại cao trong cả nước. Chính vì thế mà ông Lâm Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hòa Bình, than rằng lúc nào Trung tâm cũng quá tải. Bởi, số lượng nhân viên ít, trình độ có hạn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Bên cạnh đó, số thuốc điều trị cho người nhiễm H thì vô cùng khan hiếm.

Dẫn đến tình trạng, trong 2.066 người được xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút HIV trong 6 tháng đầu năm 2014 (con số lũy tích qua nhiều năm), thì chỉ có 861 người được điều trị, còn lại hơn 400 người nhiễm H chưa đủ tiêu chuẩn được điều trị theo quy định của Bộ y tế được giao lại cho y tế địa phương, nơi người nhiễm H cư trú quản lý và tư vấn.

Báo động tình trạng những người

Ông Lâm Ngọc Tĩnh, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hòa Bình

Tuy nhiên, con số người nhiễm H được điều trị cũng luôn biến động. Ngoài nguyên nhân giảm do tử vong thì còn có một số nguyên nhân khác, như người nhiễm H ở những huyện miền núi bỏ điều trị do quá nghèo, không đủ kinh phí để đi lại, ngại tiếp xúc với cộng đồng, hoang mang, chán nản, buông xuôi hoặc rời bỏ địa bàn nơi cư trú để đi làm ăn xa…

Và, nếu như số người nhiễm H bỏ điều trị này không được theo dõi và quản lý một cách sát sao, thì rất có thể họ sẽ là nguyên nhân gây bệnh cho người khác.

Cũng vì tâm lý e ngại cộng đồng phát hiện, kỳ thị, xa lánh, hắt hủi nên ở tỉnh Hòa Bình đang xảy ra thực trạng, người nhiễm H ở thành phố lên miền núi khám bệnh, còn người miền núi xuống thành phố lấy thuốc. Hiện tại, ở Hòa Bình có hai phòng khám và điều trị ngoại trú dành cho người nhiễm H, một đặt ở TP. Hòa Bình, một đặt ở huyện Lạc Sơn.

Đó là chưa kể đến con số hơn 400 người nhiễm H chưa được điều trị đang sinh sống trong cộng đồng. Ông Lâm Ngọc Tĩnh cảnh báo rằng, khi chưa được điều trị, số lượng vi rút HIV trong máu là rất lớn và nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Vậy, công tác quản lý số người nhiễm H chưa được điều trị này ra sao?

Hàng tháng Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh vẫn tiến hành họp giao ban với các Trung tâm y tế huyện để nắm bắt tình hình bệnh nhân trên địa bàn. Từ các cuộc họp đó, những con số thống kê về số người nhiễm H còn sinh sống tại địa phương, đã chết, hoặc đi làm ăn xa được báo cáo một cách chi tiết và cụ thể.

Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh cung cấp con số về số người nhiễm HIV đã bỏ điều trị hoặc rời bỏ khỏi địa bàn tỉnh thì Trung tâm lại không nắm được, và khẳng định rằng con số đó có nhưng ít.

"Mất dấu HIV chiếm phần lớn?"

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm về Trung tâm y tế dự phòng huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình), thì được chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, cán bộ khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS cho biết, tình trạng người nhiễm H trên địa bàn huyện bỏ đi làm ăn xa hoặc không rõ tung tích chiếm phần lớn.

Báo động tình trạng những người

Chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, cán bộ khoa Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS huyện Kỳ Sơn

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 13 người nhiễm H (con số lũy tích qua nhiều năm) trong đó có 4 người đã tử vong, 3 người vẫn sinh sống trên địa bàn, còn lại 6 người bỏ đi làm ăn xa. Đặc biệt, trong 6 người này có 1 người sau khi phát hiện nhiễm H thì đã “biến mất” không để lại tung tích.

Nói về tình trạng người nhiễm H "mất dấu" Bà Lê Thị Bình, Phó Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Tình trạng người nhiễm H mất tích không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, mà diễn ra ở hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Kỳ Sơn là huyện có số người người nhiễm H vào loại ít nhất trong tỉnh vì thế con số người nhiễm H "mất dấu" cũng ít hơn nhiều so với các huyện khác”.

Bà Bình bày tỏ lo ngại, nếu những người nhiễm H chưa được điều trị hoặc không có ý thức tự giác phòng tránh cho cộng đồng thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trong xã hội.

Đồng thời bà Bình cũng nêu những khó khăn trong công tác quản lý người nhiễm H: “Với những người lao động tự do nhiễm H, việc thường xuyên thay đổi chỗ ở, công việc sẽ rất khó quản lý, theo dõi. Việc theo dõi có thể được thông báo giữa các xã, huyện trong 1 tỉnh, còn để thông báo từ tỉnh này sang tỉnh khác là điều gần như không thể. Hàng tháng trong các cuộc họp giao ban, chúng tôi vẫn báo cáo đầy đủ số liệu lên cấp trên”.

Một trong những việc mất nhiều thời gian gây khó khăn trong quản lý người nhiễm H là do việc khai sai tên họ và địa chỉ. “Mỗi khi phát hiện có ca nhiễm mới thì chúng tôi sẽ phải đi tìm hiểu tận nơi xem địa chỉ của đối tượng đăng ký có đúng không, kiểm tra chứng minh thư nhân, để có những thông tin chính xác giúp công tác quản lý thuận lợi hơn. Còn những trường hợp bệnh nhân khai sai họ tên, địa chỉ chúng tôi sẽ nhờ bên công an giúp đỡ”, chị Tuyết đưa ra giải pháp.

Trước vài năm về trước, chị Tuyết đã từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi đi làm xét nghiệm H khai hồ sơ đầy đủ, nhưng khi có kết quả gửi về thì tìm địa chỉ đúng như trong hồ sơ đã ghi lại không có”.

Nhưng, gần đây, việc người nhiễm H khai báo sai tên tuổi địa chỉ là rất ít. Các đối tượng có nguy cơ cao đều được tư vấn trực tiếp để lấy mẫu máu đi xét nghiệm. Chỉ trừ những trường hợp họ tự đi khám ở các phòng khám tự nguyện thì họ sẽ được giữ bí mật danh tính. Nếu có kết quả dương tính, các cơ sở này sẽ không báo về địa phương mà gửi trực tiếp cho người xét nghiệm và quản lý kết quả.

Hoài Đan - Hồng Hạnh