Nghề dệt thổ cẩm - nơi gìn giữ các giá trị văn hóa của người Dao Tiền
Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền ở Cao Bằng. Những mảnh vải thổ cẩm được những bàn tay khéo léo của người dân địa phương dệt và gửi gắm vào đó những nét đẹp trong văn hóa của đồng bào nơi đây.
Theo thời gian, đến nay, người Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may cho mình những bộ trang phục truyền thống để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.
Những hoa văn độc đáo, tinh tế trên trang phục của phụ nữ Dao Tiền chứa đựng nhiều điều thú vị về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc này.
Điều tạo nên nét đặc sắc cho váy áo của người Dao là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm. Cùng với thêu trực tiếp váy áo, phụ nữ Dao Tiền thường thêu từng mảnh vải nhỏ, sau đó, khâu đắp nổi vào váy áo.
Độc đáo nhất là nghệ thuật in sáp ong. Sau khi nấu chảy sáp ong, họ sẽ dùng bút vẽ, nhúng vào sáp ong rồi vẽ trực tiếp lên vải hoặc dùng khuôn in. Khi hoàn thành bức vẽ họ mới mang vải đi nhuộm chàm.
Có thể ví mỗi bộ trang phục của người Dao Tiền là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ. Các hình thêu đều có ý nghĩa riêng, kể về lịch sử hình thành của người Dao.
Họa tiết trang trí trên váy áo và đồ trang sức của người Dao Tiền chủ yếu là hình sóng nước, cây thông, đường zích zắc, hình con chó, con dê, chim... Những hình thêu cầu kỳ, tinh tế rõ ràng ngoài giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ cao còn là những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn dân tộc Dao, như hoa văn cây thông biểu tượng cho giai đoạn văn hóa chuyển từ vùng sông nước lên vùng núi non, mát mẻ của người Dao, con cá chính là con vật có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết về với tổ tiên, con chim có trách nhiệm đưa thư giữa hai cõi, từ trần gian lên thượng giới...
Đó là dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng.
Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của đồng bào dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã gắn hình thức du lịch cộng đồng với giữ gìn bản sắc văn hóa, trong đó, trải nghiệm dệt thổ cẩm được nhiều du khách chú ý. Tỉnh Cao Bằng cũng đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các điểm bán hàng lưu niệm, các công ty du lịch, nhà phân phối để tạo điều kiện cho bà con làng nghề tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, định hướng, phấn đấu phát triển các sản phẩm dệt trở thành sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị. Nhờ đó, người dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản phẩm, giúp bà con gắn bó hơn với nghề truyền thống này.