Nhu cầu yếu, vốn tín dụng tăng chậm
Tính đến cuối tháng 5, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng trưởng 3,17%, chưa bằng một nửa so với con số trên 8% của cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm tới nay tín dụng cho vay ra khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước tăng trưởng mới được khoảng 35% so với "room tín dụng" được giao. Còn nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân còn lại mới thực hiện được khoảng 50% room tín dụng được phép.
Một trong những nguyên nhân được nhiều ngân hàng cho biết là do khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp suy giảm.
Như hiện nay tình hình tiêu thụ các sản phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược mới giữ được thị trường. Tiêu thụ khó, nếu vay vốn mà đầu ra không ổn định sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Vì thế, nhiều ngân hàng cho biết là có không ít doanh nghiệp ngân hàng muốn cho vay nhưng vẫn kiên quyết trả lại vốn cho ngân hàng để tiết giảm chi phí.
Các ngân hàng kỳ vọng, nhu cầu vốn có thể tăng lên trong nửa sau của năm, thời điểm các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho cao điểm sản xuất cuối năm.
Tín dụng tăng chậm còn do một nguyên nhân nữa là mặt bằng lãi suất cao. Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, lãi suất cho vay trung bình nếu không tính các khoản cho vay ưu đãi thì lãi suất vẫn tương đối cao, tới 12,5%/năm, nên khiến doanh nghiệp cũng cân nhắc khi vay.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, lãi suất cho vay không phải là vấn đề duy nhất. Quan trọng là làm sao doanh nghiệp họ có đầu ra, có doanh thu lợi nhuận, họ mới sẵn sàng để vay vốn mở rộng sản xuất.
Mức lãi suất 12,5% là với các khoản vay không ưu đãi, nhưng mức này cũng đã giảm khoảng 2,2% so với cuối năm 2022. Sở dĩ như vậy, vì nhiều ngân hàng cho biết, họ vẫn đang phải chịu mức chi phí vốn huy động đầu vào cao của cuối năm ngoái, bởi các khoản tiền gửi phổ biến là từ 6 - 12 tháng, nên nhiều khoản vay hiện hữu chưa giảm được lãi.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay mới bình quân hiện chỉ ở 9,07%, tức giảm 0,9% so với năm ngoái. Thực tế, nhiều ngân hàng đã tìm cách tiết giảm chi phí để giảm lãi vay. Bởi giảm lãi suất vẫn là một trong những giải pháp hiệu quả mà các ngân hàng thương mại có thể thực hiện để kích thích tăng trưởng tín dụng.