Ma túy “trộn” thực phẩm: Người dân cần nêu cao cảnh giác
Trước thực trạng nhiều vụ ngộ độc phải nhập viện do sử dụng các thực phẩm có pha trộn, tẩm ướp ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cảnh báo người dân cảnh giác và không sử dụng thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, được đưa từ nước ngoài về.
Thủ đoạn tinh vi, nguy hại
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thực phẩm là bánh kẹo, nước uống có pha trộn chất ma túy. Điều đáng nói, các thực phẩm có tẩm chất ma túy được bày bán công khai trên mạng, khiến nhiều phụ huynh và học sinh hoang mang, lo lắng.
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cấp cứu thành công 3 trẻ nhỏ ở khu vực nội thành Hà Nội cùng ăn một loại bánh socola được hàng xóm cho, sau đó có biểu hiện ngộ độc. Qua phân tích, trong bánh có chứa chất gây nghiện. Bệnh viện Nhi Trung ương đã mời Công an TP. Hà Nội vào cuộc làm rõ.
Qua điều tra ban đầu, vụ việc xảy ra khi một trong ba cháu nhỏ được người hàng xóm cho bánh socola nói là mang ở công ty sau khi liên hoan về. Cháu bé đã chia cho hai bạn khác cùng xóm trọ ăn, khiến cả ba bị ngộ độc. Qua xét nghiệm cho thấy, trong bánh socola mà ba cháu nhỏ ăn có chứa loại ma túy mới.
Trước đó, nữ bệnh nhân P.T.C. (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô do con bà đặt mua trên mạng. Sau 1 tiếng, bà C. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ói nên được người nhà đưa vào kiểm tra và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân C. trong tình trạng lơ mơ, đồng tử giãn hai bên. Kết quả xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân phát hiện chất THC, một chất chính có trong cần sa.
Không riêng ở Hà Nội, tại một số địa phương khác như TP.HCM, Thanh Hóa, Quảng Ninh cũng xảy các trường hợp ngộ độc do sử dụng phải thực phẩm có pha trộn chất ma túy tương tự.
Cơ quan Công an, đã phát hiện và bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm, thu giữ được nhiều hợp chất, bao gồm MDMA, Methamphetamine, Ketamin và cả Nimetazepam.
Theo cảnh báo của Công an Hà Nội, tình hình hoạt động tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán.
“Đối tượng nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda sau đó đóng thành túi, chai thành phẩm bán cho khách. Ngoài ra, ma túy còn được chế biến thành bánh với các thành phần khác như bơ, bột mỳ, socola, đường… rồi rao bán trên mạng”, Công an Hà Nội phát cảnh báo.
Thông tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng thực phẩm gồm thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy và ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt.
Để người dân nhận biết được loại đồ uống, thực phẩm có chứa ma túy, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: Những đồ ăn, thức uống được cấp phép của cơ quan chức năng là những mặt hàng đã được kiểm soát. Còn đối với các loại thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc không rõ ràng, trôi nổi trên thị trường, được đưa từ nước ngoài về người dân sử dụng phải hết sức cảnh giác và không sử dụng nếu không biết nguồn gốc, nơi cấp phép của các loại thực phẩm này.
Đẩy mạnh truyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống ma túy
Thống kê từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tính đến tháng 9/2022, toàn quốc có khoảng 200.000 người nghiện ma túy, hơn 49.000 người sử dụng trái phép chất ma túy và 12.250 người bị quản lý sau cai nghiện.
Trong 5 năm gần đây, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện đấu tranh với trên 120.000 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ trên 180.000 đối tượng, thu giữ gần 5,5 tấn heroin, 14,2 tấn và 7,5 triệu viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vật chứng có liên quan.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện hơn 20.000 vụ phạm tội về ma túy, bắt giữ khoảng 30.000 đối tượng, thu giữ 573 kg heroin, 1,5 tấn và hơn 3,3 triệu viên ma túy tổng hợp cùng nhiều loại vật chứng liên quan; bắt 9 đối tượng truy nã; phát hiện, đấu tranh triệt xóa 495 điểm, 41 tụ điểm phức tạp về ma túy.; đấu tranh hơn 1.000 vụ, xử lý hình sự gần 1.700 đối tượng, xử lý hành chính trên 4.000 đối tượng có các hành vi liên quan đến ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ nhạy cảm.
Để ngăn chặn loại tội phạm này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Trước hết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tác hại của ma túy và các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn.
Trong đó, cần quan tâm đặc biệt tới các đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân, lái xe, đồng bào ở các khu vực biên giới dễ bị tội phạm lợi dụng...; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tài liệu về phòng, chống ma túy phù hợp với từng đối tượng, chú ý phát triển các chương trình sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc ít người.
Phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân tham gia và tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Chú trọng đấu tranh triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và dịch vụ nhạy cảm thường được các đối tượng lợi dụng để hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy; xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm, “thay tên đổi họ” hoặc núp bóng để hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy.
Tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quan và các lực lượng An ninh hàng không, Bưu chính viễn thông... tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực cửa khẩu, cảng hàng không, hoạt động chuyển phát nhanh qua đường bưu điện; phối hợp kiểm tra hồ sơ xuất nhập khẩu, thông quan và soi chiếu hàng hóa để kịp thời phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tiền chất vào sản xuất trái phép chất ma túy.