Báo động nạn “cò” việc làm ở các khu công nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 04:29, 26/11/2014

Mặc dù báo chí đã có rất nhiều phản ánh về tình trạng này nhưng đến nay những “cò” việc vẫn hoạt động công khai.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng đang trở thành mối lo ngại của xã hội. Chính vì thế, những năm gần đây xuất hiện một số đối tượng lợi dụng nhu cầu việc làm đã dùng những thủ đoạn như là hứa xin việc và nhận làm giấy tờ giả ở các khu công  nghiệp nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động .

“cò” việc vẫn ngang nhiên hoạt động

Trong vai người đi tìm việc chúng tôi tìm đến nơi ở của người có tên H (Đông Anh  - Hà Nội ) theo lời giới thiệu của một người xe ôm.

Đến đây chúng tôi quan sát thấy nhiều cô gái trẻ cũng đang ngồi đợi. Họ đều là những người ở các tỉnh lẻ như Thái Bình, Thanh Hóa…lên Hà Nội tìm việc làm.

Một cô gái chừng 19 tuổi nói giọng miền Trung cho biết: “Em nộp hồ sơ và đóng tiền rồi nhưng đang chờ phỏng vấn. Mấy hôm không thấy gọi hôm nay đến hỏi chú H lịch phỏng vấn thế nào”. Vừa dứt lời thì người đàn ông tên H về với vẻ mặt tươi cười nói với các cô gái đang ngồi đợi: “Mấy anh bên phòng nhân sự của công ty nói tuần sau mới có giấy gọi phỏng vấn nên các cháu cứ về đợi thêm vài hôm nữa nhé”

Nói xong H quay sang hỏi chúng tôi: “Các em đến nộp hồ sơ hả? Tìm đúng cửa rồi, chứ đợi đi cửa chính thì còn lâu mới đến lượt”. Khi chúng tôi hỏi giá cả thì H nói; nếu có bằng cấp 3 rồi, không phải làm hồ sơ thì 1 triệu một người, còn nếu học cấp 2 thì đắt hơn vì còn phải làm hồ sơ nữa.

Báo động nạn “cò” việc làm ở các khu công nghiệp

Để có một công việc nhiều người đã mất tiền oan cho "cò" (Ảnh minh họa)

Chúng tôi gặng hỏi làm hồ sơ có sợ bị phát hiện không thì H trấn an đưa cho chúng tôi xem 1 bộ hồ sơ và nói: “Đây cô bé này học hết có lớp 7 thôi mới làm hồ sơ chỗ anh đây này nhìn như thật làm sao mà phát hiện ra được. Với lại họ cũng chẳng kiểm tra kỹ hồ sơ làm gì, quan trọng lúc phỏng vấn thôi”. Nhìn kỹ bộ hồ sơ H đưa chúng tôi xem thì bộ hồ sơ gồm đầy đủ bản sao bằng cấp 3 và một số giấy tờ khác có công chứng dấu đỏ.

Để tìm ra những “cò” chạy việc và làm hồ sơ già như H ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long không phải là chuyện khó vì chỉ cần lân la hỏi xe ôm, hàng nước là đều tìm ra được những đường dây khác.

Nạn nhân của dịch vụ này thường là những cô gái ở quê  đang cần việc, nghe lời dụ dỗ rằng có anh, chị em làm ở phòng nhân sự nên chỉ cần bỏ ra chút tiền là vượt được hàng 1000 hồ sơ xin việc khác. Các tổ chức này móc nối với nhân viên nhân sự trong công ty để biết thông tin và đặt chỗ trước rồi sau đó nhận hồ sơ của người lao động với giá cao. Trong khi nếu người lao động nộp hồ sơ trực tiếp tại công ty sẽ không phải mất đồng nào.

Giải pháp nào?

Hằng, làm phục vụ quán ăn bình dân ở gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết: “Đầu năm em lên đây để xin vào làm công nhân  nhưng các công ty đều yêu cầu bằng cấp 3, còn em mới học xong lớp 9. Em đến nộp hồ sơ trực tiếp ở văn phòng thì họ không nhận, vừa ra đến cổng thì có một chị bảo sẽ giúp em. Em theo chị ấy về phòng trọ, chị ấy bảo em đưa 1 triệu để chị ấy lo làm hồ sơ giả cho em. Nhưng từ lúc nộp 2 tháng trời mãi không thấy gọi. Em tìm đến chỗ trọ thì không thấy chị ấy. Sau đó em mới biết bị lừa”.

Báo động nạn “cò” việc làm ở các khu công nghiệp

Dưới thông báo tuyển dụng luôn để địa chỉ đường dây nóng

Các khu công nghiệp là nơi thu hút rất nhiều người lao động nhưng chỉ số ít hồ sơ được tiếp cận trực tiếp với nhà tuyển dụng. Một số người lao động từ các tỉnh xa tới xin việc do thiếu thông tin và nôn nóng có việc làm nên đã tin tưởng nhờ vả vào những đường dây môi giới việc làm, phải mất thêm tiền mới được phỏng vấn.

Trắng trợn hơn nữa là có những kẻ lừa đảo lao động ôm tiền của người lao động rồi cao chạy xa bay khiến có người tiền mất mà việc cũng chẳng có.

Để tạo cơ hội cho người lao động, nhà tuyển dụng cần tránh tuyển dụng thông qua các “dịch vụ việc làm” vì sẽ dễ dàng cho những kẻ xấu trục lợi. Hơn nữa, sẽ tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng một cách chính xác, tránh mất tiền oan.

Đại diện các doanh nghiệp cũng nên tuyên truyền khuyến cáo người lao động cần tỉnh táo khi tiếp cận với các thông tin tuyển dụng "ngoại đạo". Ví dụ, một số công ty lớn khi tuyển dụng đều nêu rõ "không thông qua bất cứ tổ chức tuyển dụng trung gian nào và không thu bất cứ khoản lệ phí tuyển dụng nào". 

hh

Hà Linh