Nóng nghị trường Quốc hội về "điểm kích nổ” để Việt Nam bứt phá khoa học công nghệ
Cho rằng, "điểm kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài, ông Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cùng nhiều ĐBQH khác đã có những tranh luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, sáng nay (7/6).
"Điểm kích nổ” để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ là nhân tài
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) mở đầu vấn đề tranh luận bằng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?
Vị đại biểu này cũng đặt vấn đề, đâu là "điểm kích nổ" về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ trưởng KH&CN cho biết những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Quốc hội vẫn bố trí kinh phí cho ngành và Bộ KH&CN với tỷ lệ 0,64% GDP.
“Hoạt động khoa học công nghệ rất đặc thù, bởi bản chất nghiên cứu là tìm cái mới, có thể thành công, thất bại hoặc thành công sớm hay muộn. Vì vậy, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài đã đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Theo Bộ trưởng KH&CN, điều quan trọng là xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện, trường đại học.
Thực tế cho thấy, kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao xếp hạng các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Hiện, đã có 9 trường đại học xuất hiện trên bản đồ xếp hạng trên thế giới. Đây là kết quả đáng khích lệ trong phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo.
"Các đề tài đều có rủi ro, độ trễ, đôi khi không phải đề tài nào cũng có kết quả, nhất là trong công tác chuyển giao, thương mại hóa", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói thêm.
Theo Bộ trưởng, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều vướng mắc, còn nhiều nội dung cần tháo gỡ, trong đó có nghị định về quản lý sở hữu tài sản công; Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Trước đề nghị cho biết có bao nhiều đề tài nghiên cứu, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt thừa nhận thống kê là khó. Vì khoa học công nghệ có tính đặc thù, nhiều lĩnh vực, có nghiên cứu hiện để đó nhưng phát huy trong nhiều năm sau này, có nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu triển khai...
Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá Bộ trưởng KH&CN trả lời “cầu thị khi nhận ra công tác thống kê chưa đạt”. Tuy nhiên, đề cập vấn đề đâu là “điểm kích nổ" để Việt Nam bứt phá khoa học công nghệ”, đại biểu đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bày tỏ chưa hài lòng về câu trả lời của Bộ trưởng.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, "điểm kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Đại biểu cũng nêu rõ thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ, đó là: nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…
Tiếp thu ý kiến tranh luận của đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ trình đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Làm gì để chiêu mộ nhân tài về Bộ KH&CN
Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?
Quan tâm về việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, vị đại biểu này cho biết, đây là mong mỏi lớn của cử tri Đà Nẵng, tuy nhiên Bộ trưởng chưa trả lời nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ KH&CN, của Bộ trưởng trong việc thực hiện chủ trương này, bởi sau khi có Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết đinh 188 để điều chỉnh vấn đề này, tuy TP. Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực cố gắng làm việc với Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được trung tâm này.
Liên quan đến ý kiến và tranh luận của đại biểu Trần Chí Cường, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận trách nhiệm về sự chậm trễ thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mong các ĐBQH chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
Theo dự kiến, cuối tháng 6/2023 sẽ làm việc với thành phố Đà Nẵng, Tp Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.
Phát biểu tranh luận vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, Bộ trưởng KH&CN có chia sẻ đây là lần đầu tiên có mô hình đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói rõ về vấn đề này.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng KH&CN cho biết, qua 4 năm hoạt động, từ năm 2019 đến nay Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã rút ra kinh nghiệm như nào để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất để phát triển được khoa học, công nghệ; Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này.
Đại biểu cũng hỏi Bộ trưởng có nhận định coi nhân tài là hướng để phát triển khoa học, công nghệ. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây, sẽ phương án như nào để chiêu mộ nhân tài về Bộ KH&CN làm việc.
Trao đổi với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được thành lập tại Hòa Lạc, Hà Nội, qua khảo sát thực tế, Trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cần có sự điều chỉnh đề phù hợp nhất với các địa phương.
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm rút ra từ Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội là, có những chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư.
Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng cho biết đây là điều trăn trở lớn, bởi khi triển khai ở cơ sở thì gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về công chức, viên chức, tài chính. Vừa qua, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ được giao xây dựng đề án. “Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng”, Bộ trưởng KH&CN nói.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân và đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về vấn đề cốt lõi phát triển khoa học, công nghệ và vấn đề nhân tài, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt còn tương đối khái quát, nên đại biểu muốn nhấn mạnh đến yếu tố quan trọng hơn nữa, đó là vấn đề các nhà khoa học đầu ngành.
Trong báo cáo của Bộ có nêu, đội ngũ cán khoa học công nghệ có tăng, nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, đây là một vấn đề không mới, nhưng vẫn rất nhức nhối. Bởi vì, trong Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI năm 2012 đã nêu rõ là phải tăng cường phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành.
Qua khảo sát tại các trường, các Viện nghiên cứu, đại biểu nhận thấy rõ sự hụt hẫng này của đội ngũ này. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, tại sao trong thời chiến tranh, thời kỳ bao cấp, kinh tế rất khó khăn, thông tin ít nhưng rất tự hào vì có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn bây giờ, trong điều kiện công nghệ phẳng, tiếp cận với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã đã tốt hơn nhiều, đội ngũ khoa học đầu ngành lại hụt hẫng.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng đặt vấn đề: Bộ KH&CN đã thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước ta, các trường, các Viện thiếu những lĩnh vực nào, thiếu bao nhiêu các nhà khoa học đầu ngành, lĩnh vực nào có các nhà khoa học đầu ngành?. Đại biểu cho rằng, nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì rất lo rằng, sau phiên chất vấn, vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành sẽ lại tiếp tục nêu lên.
“Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào đơn vị. Bộ KH&CN và tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách căn cơ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.