Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em: Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật
Đời sống - Ngày đăng : 14:00, 21/11/2014
Tại buổi tọa đàm về “Vai trò của cha mẹ trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 18/11 vừa qua, một số chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cũng cần nâng cao nhận thức của cán bộ các ngành chức năng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này.
Những con số đáng lo ngại
Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 1.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ở Việt Nam, trong đó có hàng chục em đã thiệt mạng. Đáng chú ý, nhiều em nhỏ bị chính cha mẹ ruột hay người chăm sóc mình tước đoạt đi mạng sống.
Theo khảo sát, có tới 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ - người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương cho rằng, một điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng trẻ em bị bạo hành ngày càng nhỏ tuổi, là những đối tượng không có khả năng tự bảo vệ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự thiếu hiểu biết kiến thức về quyền trẻ em, thiếu sự quan tâm của gia đình và sự xuống cấp của xã hội.
Trẻ em luôn cần được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ
Để xảy ra thực trạng đau lòng đó, trước hết phải kể đến hệ thống văn bản pháp luật chưa cụ thể và còn một số khoảng trống. Một số hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em chưa được điều chỉnh; mức xử phạt chưa đủ độ răn đe; lợi dụng lao động trẻ em trong nhiều trường hợp chưa bị coi là tội phạm; chưa có quy định rõ ràng về việc cha mẹ, người thân, giáo viên “giáo dục” trẻ em bằng hình thức đánh đập ở mức độ nào thì bị xem là hành vi bạo lực...
Khung pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung điều chỉnh một số hình thức xâm hại tình dục trẻ em có tính chất nghiêm trọng mà chưa điều chỉnh những hình thức ít nghiêm trọng hơn như quấy rối tình dục, mặc dù những hành vi này cũng để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho nạn nhân vốn ngây thơ, chưa có kỹ năng sống và chưa biết cách tự bảo vệ.
Việc phát hiện, tố giác tội phạm, quy trình tiếp nhận và bảo mật thông tin, bảo vệ nhân chứng trong các vụ việc liên quan đến trẻ em cũng chưa được quy định cụ thể, khiến nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở nhiều địa phương chưa thực sự hiệu quả, có lúc có nơi còn xem nhẹ.
Giải pháp hạn chế bạo lực, xâm hại trẻ em
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra bạo lực và xâm hại trẻ em có thể để lại những hậu quả năng nề tới sức khỏe thể chất và tinh thần. Nó làm giảm khả năng học tập, nhận thức và hòa nhập xã hội, tác động tới cuộc sống sau này của mỗi con người. Theo GS Nguyễn Kim Quy, những đứa trẻ bị bạo hành sau này lớn lên sẽ hành xử với những người xung quanh bằng bạo lực. Như vậy bạo hành ngay trong gia đình, bố mẹ vô hình chung chính là người đã tạo ra những hệ lụy cho con em mình sau này.
Bà Hoàng Lệ Thủy, Phó phòng dịch vụ tư vấn, Cục bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, cho rằng, trong xã hội ngày nay, những người bố, mẹ đang thiếu kỹ năng làm cha mẹ, không dạy cho con em mình những kỹ năng bày tỏ suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân. Đó là sự chia sẻ, bất cứ điều thành công hay thất bại của con đều cần nhận được sự chia sẻ của bố mẹ, người thân trong gia đình. Làm được điều này sẽ không có nhiều vụ bạo hành đáng tiếc xảy ra.
Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các quốc gia nhằm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong đó, việc phòng, chống bạo lực đối với trẻ em đang được chú trọng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhận định, số lượng các vụ bạo hành thống kê được đưa ra mới chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm mà thôi. Con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng chống bạo lực đối với trẻ em, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 để chuẩn bị cho việc sửa đổi bổ sung vào năm 2014, trong đó chú trọng những quy định về độ tuổi trẻ em; xây dựng định nghĩa về các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; quy định trách nhiệm và sự phối hợp của cơ quan quản lý Nhà nước với các bộ, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương; ban hành chính sách, pháp luật để bảo vệ lợi ích chính đáng cho mọi trẻ em (ưu tiên nhóm trẻ em yếu thế trên cơ sở tiếp cận quyền trẻ em)...
Sửa đổi Bộ luật Hình sự để điều chỉnh đầy đủ các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật để giáo dục, phục hồi tại cộng đồng, tăng cường các biện pháp xử lý không mang tính giam giữ; sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự để quy định các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử nhạy cảm với trẻ em, tránh gây tổn thương thêm về tâm lý cho trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại trong quá trình tố tụng.
Nhà nước cần quan tâm và dành tỷ lệ kinh phí thỏa đáng hơn khi phân bổ ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị bạo lực xâm hại nói riêng; quyết định mục chi ngân sách nhà nước hàng năm dành riêng cho công tác bảo vệ trẻ em.
Nhiều ý kiến đề nghị thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em; tăng cường năng lực và thẩm quyền cho bộ phận thường trực Ủy ban này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trẻ em và làm đầu mối phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chính phủ cần đầu tư, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng, đảm bảo sự đồng bộ, chất lượng để bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại; có cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng để hạn chế việc đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển, nhân rộng các mô hình dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại…