Lời xin lỗi muộn từ trại giam…
Mới tảng sáng, tiếng “người đọc thư hộ” vang lên rõ to phía nhà ông bà Thảo. Thi thoảng, bà Thảo phải nhắc lại một đoạn nội dung để ông Trung nghe được rõ hơn. Đây là bức thư đầu tiên Thành viết cho ông bà nội của mình kể từ ngày chấp hành án.
Tuổi thơ không trọn vẹn…
Không nhắc đến thì thôi, hễ nhắc đến cháu là bà Thảo lại khóc rưng rức. Thành là cháu nội nhưng với ông bà lại như con. Đứa trẻ ấy mới được 17 ngày tuổi thì mẹ bỏ đi không một lời từ biệt, bà Thảo cứ vậy trở thành “người mẹ bất đắc dĩ” của cháu mình.
Nhà nghèo, ông Trung nay đã ở tuổi ngoài 90, cả hai ông bà đau ốm quanh năm, cửa nhà luôn hiu quạnh. Cha Thành cũng vì những ngày tháng chênh vênh khi vợ bỏ đi đó mà tìm đến ma túy để có những phút giây khoái lạc, quên đi những nỗi buồn trong cuộc sống, và chính ma túy đã đẩy người cha ấy vào đường tù tội.
Khi chưa đi tù, cha Thành lấy lý do buồn chán để tụ tập bù khú với bạn bè thâu đêm. Vì thế với Thành, có cha hay không có cũng chẳng khác gì nhau. Vậy là từ một đứa trẻ khát sữa, đến lúc trưởng thành của Thành đều một tay vợ chồng ông bà Thảo gánh vác.
Án cũ chồng án mới, cha của Thành phải chấp hành án phạt 28 năm tù khi ở tuổi 38. Với ông bà Thảo, những ngày tháng con trai đi tù, nỗi khổ đau thực sự đã rút kiệt sức lực và nước mắt. Cũng may, ông bà còn có Thành bên cạnh làm chỗ dựa, cũng là niềm an ủi động viên lớn cho mình.
Ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” như ông Trung bà Thảo, việc “chênh” quá xa về suy nghĩ và quan điểm sống với tuổi đôi mươi của Thành tạo là điểu dễ hiểu. Hơn nữa, tình yêu thương của ông bà cũng không thể khỏa lấp được sự thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ trong Thành. Đó là lý do, đôi khi lời khuyên, sự cấm cản của ông bà lại kích thích tính hiếu thắng của Thành, khiến Thành bất chấp mà làm điều ngược lại.
Mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng bà Thảo vẫn dành dụm, chắt bóp để Thành học hành cho bằng bạn bằng bè cùng trang lứa. Học đến lớp 10, Thành quyết định nghỉ học mặc ông bà hết lời “năn nỉ, ỉ ôi”. Lý do của Thành đơn giản, Thành không muốn làm gánh nặng cho ông bà của mình.
Ngày bà Thảo nhập viện vì gãy chân, Thành kiên định với lập trường dừng việc học tại đây, trước là chăm sóc bà, sau sẽ kiếm một việc gì đó phụ vào tiền thuốc men cho nội. Ai cũng nói, Thành là đứa trẻ hiểu chuyện và hiểu chuyện đến mức đau lòng.
Có lẽ, hoàn cảnh đã tạo nên một môi trường sống, một suy nghĩ, một quyết định có lý do thuyết phục nhất mà người trong cuộc cảm thấy điều mình chọn là đúng đắn. Thành cũng vậy, sau những ngày tháng trông bà ở viện, chăm bà ở nhà… nếu được hỏi về quyết định nghỉ học ngang như vậy có tiếc nuối, có ân hận hay không, thời điểm ấy Thành vẫn quả quyết là không.
Người ta nói, ở đời ai đâu biết được chữ ngờ, quả chẳng sai. Ông bà Thảo càng yêu thương, càng kỳ vọng, càng dồn nhiều tình yêu thương để bù đắp cho Thành thì Thành ngày càng sa ngã. Không học, việc làm thêm bấp bênh, mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội phức tạp… đã nhanh chóng “biến” một cậu trai thiện tính trở nên ngỗ ngược.
Trong một lần đi làm, nghe bạn bè rủ rê thử dùng ma túy, sự tò mò cộng với những lời khích bác đã khiến Thành không cưỡng lại được, vậy là Thành đã phải mất một khoảng thời gian vào trại cai nghiện tập trung.
Còn nhớ, ngày Thành trở về nhà sau thời gian cai nghiện, gặp tôi Thành cười như muốn che đi sự xấu hổ, nói lời cảm ơn vì là hàng xóm thường qua thăm ông bà khi không có cậu ấy. Thành cũng hứa, sẽ không làm gì sai trái để ông bà nội phải buồn, phải khổ. Ông bà Thảo tin Thành, tôi cũng vậy.
... và lời xin lỗi muộn màng
Một ngày nọ, bà Thảo tất tưởi gõ cửa nhà tôi “Thằng Thành đi đâu từ hôm qua đến giờ không về cũng không liên lạc được. Tôi chạy khắp nơi, hay tin nó bị bắt rồi nhưng không biết vì sao, bắt vì tội gì cũng không biết…”, nói rồi bà ngồi bệt xuống bậc tam cấp khóc mếu máo.
Vậy là, ngày tháng bình yên ở tuổi già của ông bà Thảo vốn đã ít ỏi, nay gần như cạn kiệt. Cái tin Thành bị bắt vậy mà là tin chính xác, ông bà Thảo thực sự ngã quỵ. Ông Trung nằm bẹp mấy ngày liền không ăn, bà Thảo hết vào lại ra, hết khóc rồi lại thở dài, than trời ở bạc.
Vậy là, lại một lần nữa ma túy đã trở thành sợi xích, khóa chặt tuổi hai mươi của Thành, vĩnh viễn cũng không thể nào có được tuổi thanh xuân tươi đẹp thứ hai ở kiếp đời này. Vậy là, tất cả mọi sự tốt đẹp mà ông bà Thảo dành cho Thành đều đổ sông đổ biển. Những kỳ vọng về Thành, vì hai chữ “ma túy” mà tất cả đều trở thành ảo ảnh.
Cái tin Thành nhận mức án 9 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” cùng với tin được chuyển từ Trại tạm giam Hòa Sơn (Đà Nẵng) ra Trại giam Bình Điền (Huế) để thi hành án đến cùng một lúc. Lúc này, nếu ví bà Thảo như một khinh khí cầu bị xì hết hơi, quả chẳng sai chút nào, bà không còn chút sức lực, xụi lơ, mềm nhủn trượt xuống ngay tại chỗ.
Ở tuổi ông bà, di chuyển trong nhà, ra chợ đã là khó khăn, bây giờ con đường từ Đà Nẵng ra đến Huế để thăm cháu là cả một vấn đề. “Chờ tin thằng Thành đã lâu, ngày ra tòa tôi không biết để đến, giờ mới có được chút tin tức, mừng ít mà lo nhiều. Bằng mọi giá tôi phải đi thăm, ngần ấy thời gian không thấy mặt nó, phải đi, phải đi…”, bà Thảo nói đầy quả quyết. Với đôi chân sưng vù và bước đi khập khiễng, bà Thảo ra Huế để thăm cháu bằng được ngay sau khi hay tin về Thành.
Từ ngày thăm Thành đến giờ cũng đã 5-6 tháng trôi qua, ngoài một vài cuộc gọi điện thoại thì nay là lần đầu tiên ông bà Thảo nhận được lá thư do chính tay Thành viết. Mới tảng sáng, tiếng “người đọc thư hộ” vang lên rõ to phía nhà ông bà Thảo. Thi thoảng, bà Thảo phải nhắc lại một đoạn nội dung để ông Trung nghe được rõ hơn.
Mỗi câu, mỗi chữ trong bức thư được Thành gửi tay cho một bạn mãn hạn tù mang về đều là hối hận, đều là ăn năn, là lời xin lỗi đầy day dứt. “Con xin lỗi ông bà nội nhiều vì đã không nghe lời ông bà mà nghe theo bạn bè hư nên giờ phải vào đây. Con hối hận lắm, con biết ông bà nuôi con từ nhỏ vì mẹ bỏ con đi nên ông bà muốn tốt cho con, khuyên con đủ điều mà con không chịu nghe mà còn hay cãi lại, con xin lỗi…”, Thành viết trong thư.
Thành cũng bày tỏ sự hối hận vì chưa làm được gì trả hiếu cho ông bà, khi để cho ông bà tuổi già sức yếu phải sống cảnh hiu quạnh, ngóng con, mong cháu và tự nhận mình là “đứa cháu bất hiếu”. “...Ông bà đã lo cho ba rồi chừ còn lo cho con nữa. Con thực sự biết lỗi. Con mong ông bà nội tha lỗi cho đứa cháu bất hiếu. Con sẽ cố gắng cải tạo tốt, không vi phạm để về sớm với ông bà. Con hứa về con sẽ làm ăn đàng hoàng, không nghe lời bạn xấu nữa”, Thành cũng không quên dặn dò ông bà nội cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe.
“Nghe được những lời trong thư Thành gửi, tôi thương nó quá. Từ nhỏ đến lớn đã không được vui vẻ hạnh phúc bên ba mẹ, lớn lên chút lại vào tù. Giá như vợ chồng tôi còn sức khỏe, còn trẻ đã đành nay tuổi già sức yếu, sợ thời gian không còn đủ để đợi cha con nó về…”, bà Thảo vừa khóc vừa nói.
Với tuổi già và sức khỏe như lúc này, thời gian phía trước của ông bà Thảo lúc này ví như bóng đêm vô tận, cũng giống như một loại thuốc đậm màu vĩnh viễn không thể tan đi. Điều ông bà muốn làm cho cha con Thành rất nhiều nhưng lại không thể làm gì ngoài sự bất lực. Còn đối với Thành, những sai lầm của tuổi đôi mươi đã cho Thành một bài học lớn bằng hai từ… trả giá.
Ông bà Thảo sẽ vì một đứa cháu kém may mắn như Thành để ngày ngày đặt cho mình mục tiêu phải sống, sống để đợi ngày cháu về. Còn Thành cũng sẽ nghĩ đến ông nội ở tuổi ngoài 90, bà nội cũng chạm ngõ 80 để mà lo lắng, để mà có động lực cải tạo thật tốt, được xem xét giảm án…sớm về với ông bà, trước khi mọi thứ đã trở nên là quá muộn.
“Tôi sẽ tranh thủ đi thăm thằng Thành, vất vả cũng phải đi để gặp cháu được lần nào hay lần nấy. Lỡ như khi hắn về không còn mình, thì sẽ bơ vơ, sẽ hụt hẫng, tội lắm…”, lời bà Thảo đã làm mắt tôi nhòe đi từ bao giờ.
Vốn nói, đời này không tồn tại cái gọi là "giá như", "nếu như"… nhưng khi đối diện với vợ chồng bà Thảo, đối diện với hoàn cảnh của Thành tôi vẫn mong tồn tại…để ông bà có thêm thật nhiều thời gian, có thêm thật nhiều sức khỏe, đơn giản là để chờ ngày đứa cháu nội quay về.
(Tên người liên quan đã được thay đổi)