Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10/11 - 10/12/2014): Cần xóa bỏ rào cản đối với người nhiễm HIV/AIDS

Đời sống - Ngày đăng : 05:00, 21/11/2014

HIV/AIDS là mối hiểm họa đối với tính mạng con người, tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS thì tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Có tiến bộ nhưng vẫn còn kỳ thị

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, các hoạt động truyền thông - thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS đã được triển khai rộng rãi. Người dân đã có thông tin cơ bản và có những hiểu biết nhất định về HIV/AIDS. Nhờ đó, tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử đối với HIV/AIDS đã có sự tiến bộ. Tuy nhiên, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai, thô bạo.

Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, nhiều người nhiễm HIV bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, phải thay đổi nơi ở hoặc không thuê được nhà ở, phải vật lộn để bảo đảm kế sinh nhai cho bản thân. Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học. Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra ở các cơ sở phi chính quy, ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, mất công ăn việc làm và tài sản; bị đuổi học, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành. Chưa kể đến việc phải đối mặt với nguy cơ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, hoặc sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử có thể dẫn tới hậu quả là số lượng người đi xét nghiệm tự nguyện ít đi, ít bộc lộ tình trạng nhiễm HIV của mình với người khác, ít thực hiện những hành vi bảo vệ và tiếp cận các dịch vụ điều trị, chăm sóc, hỗ trợ.

Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10/11 - 10/12/2014): Cần xóa bỏ rào cản đối với người nhiễm HIV/AIDS

Kỳ thị làm hạn chế khả năng tiếp cận y tế của người có HIV/AIDS

Với các hình thức kỳ thị phổ biến như xì xào bàn tán, xúc phạm, nhục mạ, do vậy mà người nhiễm HIV đã cố tình che giấu không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình ra ngoài phạm vi gia đình, đặc biệt có tỷ lệ đáng kể người nhiễm HIV không cho chồng, vợ hoặc bạn tình biết họ bị nhiễm HIV đã gây sự truyền nhiễm sang người thân mà không thể kiểm soát nổi khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn cho xã hội.

Bên cạnh đó, kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân quan trọng làm hạn chế khả năng tiếp cận đến các dịch vụ về HIV/AIDS, như các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS. Vì lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà nhiều người, đặc biệt là những nhóm người nguy cơ cao, không dám đi xét nghiệm HIV/AIDS, khiến cho việc phát hiện HIV rất khó khăn. Khi bị nhiễm HIV mà không được phát hiện sẽ rất nguy hiểm, gây lây nhiễm HIV cho người khác trong xã hội. Chưa kể đến việc nhiều người đã được phát hiện nhiễm HIV, nhưng do lo sợ kỳ thị, phân biệt đối xử mà không dám sử dụng dịch vụ điều trị ARV.

Kỳ thị và phân biệt đối xử còn là rào cản to lớn đối với việc hưởng đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người không nhiễm HIV. Đây là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.

Cần nỗ lực xóa rào cản từ nhiều phía

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tính đến thời điểm 17/10/2014, tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống của cả nước là 221,6 nghìn người, trong đó 70,6 nghìn trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 72,9 nghìn người.

Các số liệu cũng cho thấy, mỗi tháng đều có thêm người nhiễm HIV được phát hiện, cụ thể 3 tháng gần đây nhất, tháng 8/2014 phát hiện thêm 1.400 người, tháng 9 là 1.034 người và tháng 10 là 980 người. Đây chưa phải là con số cuối cùng và có thể khẳng định các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. 

Để chống sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn và có thể cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, thời gian tới cần nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía, trước hết là phải bảo đảm được tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trình từ xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, cần đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền của người nhiễm HIV, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để bảo đảm việc tuân thủ và triển khai thực hiện các chính sách liên quan.

Mặt khác, cũng cần có cơ chế để hỗ trợ chính những người nhiễm HIV/AIDS trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý để giải quyết các vi phạm về quyền của họ như khi bị buộc thôi việc, bị cản trở không được khám chữa bệnh hoặc học tập vì lý do nhiễm HIV.

Đặc biệt, cần làm tốt công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về HIV, giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng. Đồng thời, tuyên truyền để cộng đồng và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với các biện pháp cụ thể nhằm giúp người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm kỳ thị và học về các quy định luật pháp liên quan về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Để tiến đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên Hợp quốc (UNAIDS) đã đưa ra mục tiêu “Ba không”, bao gồm: Không có trường hợp nhiễm HIV mới, không có người tử vong vì HIV/AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. Chính vì vậy mà Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 có chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” nhằm tăng hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may bị nhiễm HIV.

 HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. HIV gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể và làm cho cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh dẫn đến chết người. Vi rút HIV lây truyền từ người này sang người khác chủ yếu qua ba đường: Qua đường máu (thường là truyền máu, tiêm chích, săm da, qua các vết xước trên da, niêm mạc…); qua đường quan hệ tình dục với người đã bị nhiễm HIV; truyền từ mẹ sang con (mẹ nhiễm HIV truyền sang con trong thời kỳ mang thai, lúc sinh con và khi cho con bú).

Quang Minh