Mong Bộ trưởng sẽ có giải pháp cụ thể để bảo đảm giữ lời hứa với cử tri
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ĐBQH diễn ra ngày 6/6 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung được đánh giá là xuất sắc khi phần trả lời thỏa mãn hầu hết các đại biểu.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng được đánh giá là “gương mặt mới” nhưng nắm chắc vấn đề dù lần đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội về vấn đề dân tộc miền núi.
Phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội diễn ra ngày 6/6 với 99 đại biểu đăng kí chất vấn, 46 đại biểu đã tham gia chất vấn, trong đó 35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, những con số thể hiện sự quan tâm của các ĐBQH đối với lĩnh vực này. Phiên chất vấn diễn ra sối nổi, trách nhiệm, đi thẳng vào những vấn đề mà người dân, cử tri, doanh nghiệp quan tâm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người trải qua gần 2 nhiệm kỳ đã có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, nắm chắc quy định của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình, thực trạng lĩnh vực quản lý của Bộ, trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng những vấn đề đại biểu nêu và đề xuất được nhiều giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật.
Để nhiều người lao động không phải “bán lúa non”
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá, phiên chất vấn của hai Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Hầu A Lềnh diễn ra sôi nổi, dân chủ và thẳng thắn. Hai Bộ trưởng đã thể hiện được trách nhiệm của mình trước cử tri về những vấn đề nóng, được cử tri quan tâm như vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo việc làm, xuất khẩu lao động, các chế độ, chính sách cho người lao động, vấn đề dân tộc miền núi… Các đại biểu đặt câu hỏi rất sát, rất đúng và rất trúng. Bộ trưởng trả lời nắm chắc vấn đề và có giải pháp cơ bản để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về lao động việc làm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, dù chưa đưa ra được giải pháp căn cơ, hữu hiệu, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm ngay cho người lao động trong giai đoạn hiện nay, nhưng vẫn hy vọng thời gian tới, Bộ sẽ tìm ra nguyên nhân cốt lõi và có giải pháp kịp thời, vực dậy nền kinh tế, vực dậy doanh nghiệp đang ngưng việc hoặc rút khỏi thị trường lao động, thị trường sản xuất kinh doanh. Bởi vì, DN tái khởi động lại hoặc thành lập doanh nghiệp mới thì mới có thể thu hút được lao động, tạo ra việc làm mới.
Muốn như vậy, Bộ LĐ-TB&XH phải tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ phải có những động thái rất quyết liệt để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, tạo quỹ đất, đồng hành cùng doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm…, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, những người lao động ngưng việc, thất nghiệp hiện nay cũng đang rất cần được bảo đảm chế độ, chính sách như đóng/nhận tiền bảo hiểm xã hội bởi thời gian qua có nhiều người lao động phải “bán lúa non” - bán sổ bảo hiểm xã hội của mình cho các đối tượng khác để có tiền chi tiêu sinh hoạt. Đây là một vấn đề cần Nhà nước có biện pháp khắc phục kịp thời, giúp người lao động được hưởng chế độ, chính sách sau khi bị mất việc.
Còn theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) nhận định, vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo việc làm, xuất khẩu lao động, các chế độ, chính sách cho người lao động…là vấn đề lớn, thuộc tầm điều hành của Chính phủ, quốc gia. Để hoàn thiện chính sách phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên mong rằng sau phiên trả lời chất vấn này, Bộ trưởng sẽ có báo cáo tổng hợp để đề xuất giải pháp cụ thể, căn cơ để bảo đảm giữ lời hứa với cử tri.
Và trong thời gian tới, để Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ có sự quan tâm đến các chính sách với người lao động sau đại dịch và trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, để người lao động có việc làm thì cũng cần hỗ trợ cho doanh nghiệp có điều kiện để sản xuất, có thị trường để xuất khẩu cũng như có nguồn lực về vốn, về công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giải pháp chuyển hướng sản xuất kinh doanh.
Đại biểu cũng chỉ ra một tồn tại khiến cử tri và người dân rất bức xúc là vấn đề bảo hiểm xã hội nhưng phần trả lời chưa nói rõ được trách nhiệm thuộc về ai và việc xử lý như thế nào để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cho nhân dân.
“Gương mặt mới” trả lời chất vấn của Quốc hội
Các đại biểu cũng đánh giá, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh là "gương mặt" mới trong chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng cách trả lời của Bộ trưởng lại rất cụ thể, rõ ràng; các chính sách liên quan đến dân tộc miền núi, các vấn đề cụ thể tại địa phương kiến nghị đều được Bộ trưởng nắm rất rõ, điều này cho thấy sự trách nhiệm của Bộ trưởng.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho hay, những câu hỏi mà đại biểu gửi đến Bộ trưởng Hầu A Lềnh về lĩnh vực dân tộc miền núi, chế độ chính sách cho người dân vùng sâu, vùng xa,… cũng là truyền tải tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Bộ trưởng. Qua tiếp xúc cử tri và những vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển vùng kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.
Đến từ Bắc Giang, đại biểu Trần Văn Tuấn cho hay, trong ba chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và vùng miền núi giai đoạn 2021- 2030. Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra, như việc xây dựng các chính sách liên quan để triển khai còn chậm nên đến nay chương trình chưa đi vào cuộc sống. Điển hình như một số dự án chậm hoặc chưa giải ngân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng đã không né tránh mà nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và giải pháp trong thời gian tới. Hy vọng, sau phiên chất vấn, Bộ trưởng sẽ có các giải pháp cụ thể, chủ động và quyết liệt hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu nhấn mạnh.