"Làng khát" giữa Hà Nội
Đời sống - Ngày đăng : 05:00, 20/11/2014
Hà Nội là nơi có một cuộc sống phồn hoa, đáng mơ ước của nhiều người, thế nhưng nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ vài chục cây số, gần 2000 hộ dân của xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất - Hà Nội) lại đang chịu cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng.
Đã hàng chục năm qua nhưng “nỗi khổ trời đày” này vẫn không hết ở Chàng Sơn, những cơn khát triền miên đeo đuổi người dân như một định mệnh mà thiên nhiên bắt họ phải chịu đựng, những chiếc xe cải tiến dùng để kéo nước đã trở thành hình ảnh quen thuộc vào các buổi chiều ở nơi này.
Ở trong xã, hầu hết nhà nào cũng có giếng nước, có hộ gia đình còn vừa đào vừa khoan từ 2-3 cái giếng, tuy nhiên tất cả những giếng ở đây đều chung cảnh mất nước, có giếng khơi sâu hơn chục mét đều cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm. Nhiều hộ dân ở đây ngán ngẩm cho biết: “Giếng ở đây làm gì có nước, nhiều nhà đã đào sâu cả 30-40m, thậm chí cả 70m rồi mà vẫn không có được giọt nước nào, các thợ đào giếng từ giếng khơi cho đến giếng khoan về đây đều bó tay”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước cũng có nhiều, do dân số tăng, nguồn nước ô nhiễm…nhưng chủ yếu vẫn là do thổ nhưỡng khô cạn cùng với nguồn nước ngầm bị cạn kiệt đã khiến cho vùng đất này không chỉ mùa nắng mà vào cả mùa mưa cũng…vẫn thiếu nước.
Trước đây, những cơn mưa rào đầu hè là “cứu cánh” cho người dân nơi đây trong một vài ngày, bởi mưa xuống sẽ không có cảnh phải lục đục dậy sớm hoặc về chiều xếp hàng mua nước mà có thể lấy nước ở giếng công cộng của làng. Tuy nhiên giờ đã là mùa khô nên chỉ còn cách là đi mua nước về dùng nếu không muốn “chết khát”.
Cũng chính từ đây mà một ngôi làng nổi tiếng với nghề mộc truyền thống và nghề làm quạt giấy nay lại có thêm một nghề “hot” nữa, đó là nghề… bán nước sạch sinh hoạt.
Số ít những nhà may mắn đào được giếng nhiều nước, lúc đầu thì chở nước nhà mình cho anh em, người quen, hàng xóm gần nhà, nhưng giờ ai cũng thiếu nước nên nhiều người làm luôn dịch vụ bán nước sinh hoạt. Họ chủ yếu lấy nước từ giếng của gia đình mình và “lấy công làm lãi” nên người mua cũng tạm yên tâm về chất lượng nước sạch.
Tuy nhiên lượng nước đó cũng không thể đáp ứng được đủ nhu cầu nước sinh hoạt của bà con nên nhiều người đã dùng ô tô để chở nước từ các xã khác về bán. Nhà nào có bể to thì xe ô tô chở nước sẽ vào tận nhà bơm trực tiếp xuống bể, giá trung bình từ 50 – 70 nghìn đồng/ khối nước, còn nhà nào trong ngõ, ô tô không thể vào được thì nước sẽ được bơm vào các thùng đựng trên xe cải tiến để kéo đến từng hộ gia đình, giá cho 2 thùng phi xanh khoảng 250 lít nước là 20.000 đồng, nếu tự đi kéo thì giá nước sẽ rẻ hơn một ít.
Tính trung bình mỗi tháng một hộ gia đình ở Chàng Sơn phải chi từ 500.000 - 1.000.000 đồng cho việc mua nước sinh hoạt. Con số này còn cao hơn khi vào mùa nắng nóng và ở những nhà giếng hoàn toàn không có nước.
Tốn kém, đắt đỏ là vậy nên ngay giữa mùa hè oi bức, người dân nơi đây luôn thực hành chính sách tiết kiệm triệt để, nước rửa rau xong thì để rửa bát, nước giặt quần áo thì rửa chân tay, tưới cây…Trước đây, người ta đem quần áo chăn chiếu ra ao làng để giặt giũ nhưng bây giờ ao làng ô nhiễm nặng nên chẳng còn ai dám ra giặt nữa.
Theo người dân nơi đây thì cả làng đều phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt cả chục năm nay, tuy đã có không ít đoàn khảo sát về lập dự án, lấy ý kiến của người dân như chương trình như “Nước sạch Đồng bằng Sông Hồng”, “Nước sạch Nông thôn” để đưa nước sạch về với thôn xã....nhưng đáng buồn, đến nay vẫn chưa dự án nào được thực hiện.
Trong khi người dân đang phải sống từng ngày trong tình trạng thiếu nước, tiết kiệm từng giọt nước sạch để ăn uống, có khi còn phải chấp nhận sử dụng nguồn nước bẩn, nước không đảm bảo thì những dự án ấy vẫn “một đi không trở lại” khiến câu hỏi “bao giờ có nước sạch?” của người dân nơi đây chưa ai trả lời được.
Nhà ai cũng đều có ít nhất 2-5 thùng chứa trước nhà để có thể hứng và chứa nước
Chiếc xe cải tiến để cạnh nhà luôn sẵn sàng cho việc kéo nước
Mỗi khi xe nước đến người dân lại tất bật kéo xe đi mua nước. Mỗi xe nước này có giá là 15-20 nghìn đồng
Nếu mua của người quen, những nhà may mắn đào được giếng có nước thì giá thành sẽ rẻ hơn chỉ 5000 đồng / thùng
Do có nghề mộc truyền thống nên nhiều ao hồ bị ô nhiễm nặng khiến nguồn nước sạch đã hiếm nay lại còn đứng trước nguy cơ nhiễm độc
Người dân đã sống chung với cảnh thiếu nước hơn chục năm nay mà vẫn chưa có bất cứ một dự án nước sạch nào được hoàn thành.